Thursday, April 12, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 1: Người chết kể chuyện

Dịch từ tiểu thuyết The Thirty-Nine Steps của John Buchan (1915)

Bối cảnh: Câu chuyện xảy ra tại Anh ngay trước khi Thế Chiến I nổ ra năm 1914. Nhân vật chính, Richard Hannay, vừa trở về London sau nhiều năm sinh sống ở Rhodesia là thuộc địa Anh ở miền nam châu Phi.

Khoảng ba giờ buổi chiều tháng năm hôm đó tôi từ trung tâm Luân Đôn quay về nhà, trong lòng chán ngán khôn tả. Về Anh được có ba tháng tôi đã thấy hết hứng thú, là điều trước đây tôi không thể nào ngờ tới. Thời tiết ở đây khiến tôi bứt rứt trong người, câu chuyện thường ngày của dân chúng xứ này làm tôi phát mệt, thân thể tôi thèm được vận động, còn những trò tiêu khiển nơi đây tôi thấy sao nhạt phèo. Tôi cứ nhủ thầm trong đầu là mình đã tới lộn chỗ và tốt nhất nên cuốn gói cho sớm.

Tôi cắn môi thất vọng khi nghĩ tới những kế hoạch mình đã vẽ ra suốt mấy năm qua lúc còn ở Bulawayo. Tôi có tích góp được chút tài sản tuy không lớn nhưng cũng đủ sống, nên đã dự tính nhiều hoạt động lý thú cho tương lai. Tôi theo cha rời Scotland hồi mới sáu tuổi luôn tới bây giờ, thành ra lòng tôi lúc nào cũng mong mỏi được về nước Anh sống tới hết đời.

Vậy mà ngay từ đầu tôi đã thấy nản. Sau một tuần tôi đã chán đi ngắm cảnh, sau một tháng tôi chán luôn cả nhà hàng, nhà hát lẫn trường đua ngựa. Có lẽ vì tôi không có bạn bè thực sự. Người ta mời tôi tới nhà tiệc tùng cũng nhiều, nhưng họ chẳng quan tâm lắm tới tôi, chỉ hỏi dăm ba câu qua loa về xứ Nam Phi rồi ai lo chuyện nấy. Nhiều quí bà quí cô nhiệt thành với đế chế cũng thường mời tôi gặp gỡ các giáo chức từ New Zealand hay biên tập báo chí từ Vancouver, nhưng mấy vụ này thật tình tôi không thích mấy. Thành ra dù mới ba mươi bảy tuổi, rắn chắc khỏe mạnh, tiền bạc rủng rỉnh, tôi lại phải ngáp vặt cả ngày. Tôi đang thu xếp để quay về Nam Phi, vì chắc chắn trong cả nước Anh tôi là kẻ buồn chán nhất.

Chiều hôm đó để có chuyện làm, tôi đã bàn tới bàn lui công việc đầu tư với người chuyên viên môi giới chứng khoán. Trên đường về nhà tôi ghé lại một câu lạc bộ - thực chất chỉ là một thứ quán rượu - có nhận thành viên là dân ở thuộc địa về. Tôi nhẩn nha vừa uống rượu vừa đọc báo buổi chiều. Tình hình Cận Đông khá rối rắm, và có bài viết về thủ tướng Hy Lạp Karolides. Tôi thấy có cảm tình với ông này. Xem ra ông ta là nhân vật then chốt mà lại ngay thẳng, hơn hẳn giới chính khách thường tình. Giới lãnh đạo ở Berlin và Vienna coi bộ thù ông ta dữ lắm, có bài báo còn nói ông ta là rào cản duy nhất để châu Âu tránh được đại chiến. Lúc đó tôi có mơ tưởng tới chuyện đi qua mấy xứ bên đó. Tôi nghĩ nếu mình ở Albania chẳng hạn thì chắc không đến nỗi che miệng ngáp cả ngày.

Khoảng sáu giờ tôi về nhà thay đồ đi ăn tối ở nhà hàng Café Royal, xong ghé vô một nhà hát tạp kỹ. Buổi diễn rất tào lao, đàn bà nhảy nhót, đàn ông nhăn mũi méo miệng, tôi bỏ ra nửa chừng. Tôi đi bộ về căn chung cư thuê ở đường Portland Place trong đêm trời trong dễ chịu. Đám đông chen chúc qua mặt tôi trên vỉa hè, nhìn họ bận rộn nói cười mà tôi phát thèm vì họ có chuyện để làm. Mấy cô bán hàng hay thư ký, mấy chàng đỏm dáng hay mấy ông cảnh sát kia đều có mối quan tâm riêng thúc đẩy họ hăng hái hoạt động. Thấy một người ăn mày ngáp dài tôi cho luôn đồng nửa crown vì cảm thấy ông ta là kẻ đồng cảnh ngộ. Tới khu Oxford Circus tôi ngước mặt lên bầu trời mùa xuân, hứa thầm là trong vòng một ngày nữa nếu ở Anh không có chuyện gì hay cho tôi làm thì tôi sẽ lên chuyến tàu sớm nhất đi thẳng về Nam Phi.

Căn chung cư của tôi nằm ở lầu một trong khối nhà mới cất liền sau đường Langham Place. Trong tòa nhà có cầu thang chung, lối vào có người gác cửa và người coi thang máy, nhưng không có nhà hàng hay dịch vụ gì, và mỗi căn đều hoàn toàn biệt lập. Tôi không thích có người giúp việc ở chung nên chỉ cho một người tới làm ban ngày. Anh ta tới lúc tám giờ mỗi sáng và bảy giờ tối là đi, vì tôi không khi nào ăn tối ở nhà.

Vừa mới đút chìa khóa vô cửa tôi nhận thấy có người đứng sát bên khuỷu tay. Ông ta tới lúc nào không hay nên tôi giật nảy mình. Ông ta dáng gầy ốm, chòm râu màu nâu cắt ngắn, cặp mắt xanh nhỏ và sắc. Tôi nhận ra ông ta là người ở tầng trên cùng, tôi đã có gặp lúc lên xuống cầu thang.

Ông ta hỏi tôi:

- Tôi nói chuyện với anh chút được không? Anh cho phép tôi vô bên trong chút được không?

Ông ta cố giữ cho giọng khỏi run, bàn tay đặt lên cánh tay tôi. Tôi mở cửa ra dấu mời ông ta vô nhà. Vừa qua khỏi ngưỡng cửa ông ta đã chạy tọt ra sau vô căn phòng tôi dùng để hút thuốc và viết thư, rồi lại vọt ra trước. Ông ta cuống quít hỏi cửa có khóa chưa rồi tự tay móc sợi xích chặn cửa.

Ông ta nói vẻ hạ mình:

- Anh cho tôi xin lỗi. Tôi biết mình đường đột lắm, nhưng tôi coi bộ anh là người có thể thông cảm cho tôi được. Khi chuyện bắt đầu rắc rối tôi đã nghĩ tới anh cả tuần nay. Anh làm ơn giúp tôi một việc có được không?

Tôi đã bắt đầu thấy lo ngại về hành động kỳ quặc của cái ông nhỏ con này nên đáp:

- Tôi không hứa, để tôi nghe ông kể đầu đuôi cái đã.

Trên bàn bên cạnh có khay rượu, ông ta tự rót một ly whisky pha soda loại nặng, ực ba lần là cạn rồi dằn xuống bàn mạnh tay đến nỗi muốn nứt ly. Ông ta nói:

- Xin lỗi anh, tối nay tôi hồi hộp quá đỗi. Tại vì ngay lúc này tôi là người đã chết rồi.

Tôi ngồi xuống ghế bành châm ống điếu, bụng đinh ninh ông này bị điên. Tôi hỏi:

- Chết rồi ông cảm thấy ra sao?

Trên gương mặt căng thẳng của ông ta thoáng nụ cười nhẹ.

- Tôi không có điên đâu, ít ra cũng chưa điên. Tôi đã quan sát kỹ anh và biết anh là người tỉnh táo. Tôi cũng nghĩ anh rất thẳng thắn và gan dạ. Nên tôi sẽ kể hết cho anh nghe. Tôi đang trong tình thế hết sức kẹt, và tôi cần biết tôi có nhờ anh được không.

Tôi đáp:

- Ông cứ kể đi, rồi tôi sẽ cho ông hay.

Ông ta làm như ráng lấy sức rồi khởi sự kể ra câu chuyện lạ lùng nhất tôi nghe được hồi nào tới giờ. Thoạt đầu tôi không nắm được, phải ngắt lời mấy bận hỏi lại cho rõ. Câu chuyện đại thể như sau:

Ông ta là người Mỹ, nhà ở bang Kentucky cũng khá giả nên xong đại học ông ta bèn ngao du thế giới. Ông ta viết lách chút đỉnh, làm phóng viên chiến trường cho một tờ báo ở Chicago, và có sống ở đông nam châu Âu một hai năm. Theo như tôi hiểu thì ông ta rành ngoại ngữ và giao du rộng trong giới thượng lưu ở vùng này. Ông ta nhắc tới nhiều nhân vật quen biết mà tôi có đọc thấy tên trong báo.

Ông ta có can dự vô chuyện chính trị, mới đầu chỉ để tìm hiểu qua loa nhưng rồi bị cuốn hút gỡ không ra. Theo tôi ông ta thuộc mẫu người trí óc sắc sảo không chịu ở yên, mà cứ phải truy ra sự việc tới tận gốc rễ mới chịu. Cuối cùng ông ta đã dính sâu hơn dự định.

Tôi nhắc lại đây những gì tôi hiểu được từ lời kể của ông ta. Đằng sau các chính phủ và quân đội là một phong trào ngầm rất mạnh do những nhân vật hết sức nguy hiểm hoạch định và điều khiển. Ông ta đụng nhằm chuyện này do tình cờ, thấy hấp dẫn nên đào bới thêm thì bị lộ. Theo như tôi hiểu, phần lớn thành viên trong phong trào nói trên là thành phần trí thức vô chính phủ ưa làm cách mạng, nhưng ngoài họ ra còn có những tên tài phiệt muốn trục lợi. Kẻ nào có chút tài trí ắt biết cách kiếm chác khi thị trường tài chính sụp đổ, thành thử cả hai thành phần nói trên đều muốn gây ra những mối thù địch căng thẳng trong lòng châu Âu.

Ông ta kể ra mấy chuyện nghe kỳ lạ nhưng giải thích được nhiều việc tôi thấy khó hiểu, như những chuyện xảy ra trong chiến tranh Balkan, làm cách nào quốc gia nọ thình lình chiếm được thế thượng phong, tại sao liên minh này tan vỡ mà liên minh kia lại hình thành, tại sao một số nhân vật mất tích, và động lực chiến tranh ở đâu ra. Mục đích toàn bộ âm mưu là khiến Nga với Đức hục hặc nhau.

Khi tôi hỏi lý do, ông ta nói phía vô chính phủ cho rằng chiến tranh sẽ đem lại cơ hội để đảo lộn trật tự cũ và hình thành thế giới mới. Còn phía tài phiệt sẽ có cơ hội hốt bạc bằng cách mua lại những cơ ngơi tạm thời sụp đổ. Ông ta nói tư bản không có lương tâm và tổ quốc. Ngoài ra chính người Do Thái đứng đằng sau âm mưu nói trên, và người Do Thái lại rất căm thù nước Nga. Ông ta hăng lên nói lớn tiếng:

- Đâu có gì lạ! Việc này coi như để trả oán những vụ ngược đãi họ đã phải chịu đựng suốt ba trăm năm nay. Chuyện gì cũng có người Do Thái, nhưng anh phải ra hậu trường mới thấy. Lấy ví dụ nếu tới giao dịch với bất cứ công ty lớn nào của Đức, người đầu tiên anh gặp sẽ là một hoàng thân trẻ tuổi lịch sự, nói tiếng Anh thượng lưu. Nhưng thực ra anh ta chẳng có kí lô nào. Nếu thương vụ của anh lớn, anh sẽ gặp một gã dân Westphalia cằm nhô trán thụt, kiểu cách thô lậu. Hắn ta tiêu biểu cho giới thương gia Đức đã khiến báo chí nước Anh tốn bao nhiêu giấy mực. Nhưng nếu anh làm ăn cực kỳ lớn và phải nói chuyện với ông chủ thực sự là ông chủ, thì tôi cá một ăn mười anh sẽ được gặp một tên Do Thái nhỏ con mặt bệch mắt lươn ngồi xe đẩy. Đúng vậy thưa anh, hắn ta mới là kẻ lúc này đang thực sự nắm quyền trên thế giới, và hắn đang thọc dao vô đế quốc của Nga Hoàng vì bà cô hắn bị xúc phạm còn cha hắn bị hành hạ ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó trên sông Volga.

Tôi không kìm được mới nói cứ coi tình hình hiện nay thì bọn Do Thái vô chính phủ của ông ta coi bộ hơi lép vế. Ông ta đáp:

- Cũng đúng mà cũng không. Bọn họ thắng được một giai đoạn, nhưng rồi vấp phải một chướng ngại không mua bằng tiền được, đó là cái bản năng chiến đấu căn bản trong mỗi người. Bất cứ ai đứng trước chuyện sinh tử cũng sẽ tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần để chiến đấu, sau đó nếu sống sót thì anh ta sẽ yêu quí cái lý tưởng đó lắm. Giới quân nhân hiện nay đang ôm cái lý tưởng như vậy, cho nên đã làm bể cái kế hoạch mà các chính phủ Đức và Áo đã dàn dựng cẩn thận. Nhưng bọn kia vẫn chưa chơi hết ván bài đâu. Lá bài chủ họ vẫn còn giữ, họ sẽ đưa ra đánh và thắng nguyên ván trừ phi tôi sống được thêm một tháng nữa.

- Nhưng tôi tưởng là ông chết rồi mà ?

Ông ta mỉm cười nói:

- Mors janua vitae. (Tôi biết câu này, tiếng Latin của tôi chỉ được có bấy nhiêu.) Tôi sẽ giải thích cho anh rõ, nhưng tôi phải kể cho có đầu có đuôi đã. Anh đọc báo thì chắc biết cái tên Constantine Karolides chớ ?

Tôi ngồi thẳng dậy chú ý, vì tôi vừa đọc một bài về ông này lúc chiều.

- Chính ông ta đã phá hư hết những nước đi của bọn họ. Ông ta là đầu não mọi việc, lại là người ngay thẳng nên họ muốn trừ khử ông ta cả năm nay rồi. Đoán ra chuyện này không khó, nhưng tôi lại phăng ra được kế hoạch thực hiện âm mưu của họ nên sa vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Thành thử tôi đã phải chết đi cho an toàn.

Ông ta ngừng lại uống thêm một ly rượu. Tôi cũng pha cho mình một ly vì ông ta đã khiến tôi quan tâm tới câu chuyện.

- Họ không làm gì được chừng nào Karolides còn ở Hy Lạp, vì ông thủ tướng có đội cận vệ người Epirus coi nhiệm vụ còn cao hơn gia đình. Nhưng ông ta sẽ tới đây ngày mười lăm tháng sáu. Bộ ngoại giao Anh có tổ chức những buổi tiếp tân quốc tế, và buổi tiệc long trọng nhất sẽ diễn ra vào ngày đó. Karolides sẽ là khách danh dự, và nếu bọn họ thành công thì ông thủ tướng Hy Lạp sẽ vĩnh viễn không về nước nghe đồng bào hoan hô được nữa.

- Vậy thì dễ mà. Ông chỉ việc báo cho Karolides hay, và ông ta cứ ở nhà là xong.

Ông ta hơi xẵng giọng:

- Làm vậy có khác gì chiều ý bọn họ. Nếu ông ta không tới tức là họ thắng, vì chỉ có ông ta mới gỡ được mớ bòng bong hiện nay mà thôi. Nếu báo cho chính phủ Hy Lạp biết thì ông ta sẽ không tới, vì ông ta chưa lường hết được tầm quan trọng của buổi tiệc hôm đó đâu.

- Vậy còn chính phủ Anh? Đương nhiên họ không muốn khách quí bị ám sát. Cứ báo họ hay thì họ sẽ tăng cường an ninh.

- Không ăn thua. Họ có rải nhân viên điều tra đầy thành phố và tăng gấp đôi số cảnh sát tuần tra thì Karolides cũng sẽ không thoát. Phe kia đã hoạch định rất kỹ càng. Bọn họ muốn thực hiện án mạng vào một dịp quan trọng có cả châu Âu nhìn vào. Thủ phạm sẽ là người Áo, và sẽ có lắm bằng chứng liên hệ tới giới tai to mặt lớn ở Berlin và Vienna. Dĩ nhiên đó sẽ là bằng chứng giả nhưng lại đủ sức thuyết phục cả thế giới. Tôi không nói khơi khơi đâu. Tôi biết rõ từng chi tiết một của cái âm mưu quỉ quái này, và tôi nói anh nghe nó là thứ quỉ quái tinh vi nhất kể từ thời dòng họ Borgia tới giờ. Nhưng âm mưu đó sẽ thất bại nếu cái người biết rõ từng chi tiết của nó vẫn còn sống ở Luân Đôn ngày mười lăm tháng sáu tới. Người đó tên Franklin P. Scudder, chính là tôi đây thưa anh.

Tôi bắt đầu thấy thích cái ông này. Hàm ông ta nghiến chặt, ánh mắt rực lửa quyết đấu. Nếu chuyện ông ta kể tôi nghe là bịa thì ít ra ông ta cũng biết diễn đúng theo bài bản. Tôi hỏi:

- Làm sao ông truy ra được vụ này?

- Tôi bắt đầu đánh hơi được tại một quán trọ bên hồ Achen ở Tyrol. Tôi hỏi lần ra thì tìm thêm được manh mối trong một tiệm đồ lông thú ở khu người Galicia tại Buda, một Hội quán lữ khách ở Vienna, và một tiệm sách nhỏ gần đường Racknitz ở Leipzig. Tôi thu được chứng cớ cuối cùng ở Paris cách đây mười ngày. Chuyện dài dòng, tôi không kể chi tiết anh nghe ngay bây giờ được. Sau khi chắc chắn mình đã biết rõ ràng mọi thứ rồi, tôi quyết định trốn mất dạng. Tôi tới Luân Đôn theo đường vòng vèo lắm. Tôi rời Paris cải trang thành một thanh niên Mỹ gốc Pháp ăn mặc chải chuốt, rời Hamburg bằng tàu thủy đóng vai một tay Do Thái buôn kim cương. Ở Na Uy tôi là sinh viên Anh thu thập tài liệu về nhà soạn kịch Ibsen, nhưng tôi rời Bergen giả làm nhà quay phim về môn trượt tuyết. Rồi từ Leith tôi tới đây để chào bán bột giấy cho các tòa báo Luân Đôn. Cho tới hôm qua tôi vẫn tưởng mình đã xóa dấu vết thành công và tự thấy hài lòng lắm. Vậy rồi...

Nhớ lại chuyện này có vẻ khiến ông ta buồn bực lắm, và ông ta nốc liền mấy ngụm whisky.

- Rồi tôi nhìn thấy một kẻ đứng ngoài đường ngay trước khu chung cư này. Tôi thường ở trong nhà suốt ngày, tối mới lẻn ra ngoài độ một hai tiếng. Tôi đứng trong cửa sổ quan sát kỹ và nhận ra hắn. Tôi thấy hắn bước vô nói chuyện với người gác cửa. Đêm qua lúc tôi đi dạo về thì thấy trong hộp thư có tấm cạc đề tên kẻ mà tôi muốn tránh bằng bất cứ giá nào.

Ánh mắt và vẻ kinh hãi trên mặt ông ta đã thuyết phục tôi là ông ta nói thật. Giọng tôi hơi đanh lại khi hỏi ông ta sau đó đã làm gì.

- Tôi biết ngay cái thế của tôi như cá trong chậu, và chỉ có một đường thoát là tôi phải chết. Nếu kẻ thù biết tôi chết, chúng sẽ rút lui.

- Rồi ông làm cách nào?

- Tôi than mệt với người giúp việc, rồi tôi giả như người bệnh nặng. Tôi có tài hóa trang nên không khó khăn gì. Sau đó tôi kiếm một tử thi, ở Luân Đôn nếu biết cách thì kiếm không khó. Tôi để cái xác đựng trong rương trên nóc xe chở về. Tới nơi tôi làm bộ phải có người dìu lên phòng nhằm tạo bằng chứng để họ thấy lúc điều tra cái chết của tôi. Tôi đi nằm, nhờ người giúp việc pha thuốc ngủ rồi biểu anh ta đi về. Anh ta muốn kêu bác sĩ, nhưng tôi chửi om lên nói là tôi không chịu được đĩa. Lúc còn lại một mình tôi khởi sự dàn dựng cho cái xác. Người chết vóc dáng cỡ tôi và bộ dạng tàn tạ vì rượu, nên tôi bày nhiều rượu ra trong phòng. Cằm anh ta không giống tôi nên tôi phải lấy súng lục bắn bể. Tôi chắc ngày mai sẽ có người báo có tiếng súng, nhưng vì không ai ở cùng tầng lầu với tôi nên tôi cũng chấp nhận liều một chút. Tôi để cái xác trên giường mặc đồ ngủ của tôi, súng nằm trên tấm trải giường, chung quanh lộn xộn bừa bãi. Rồi tôi mặc bộ đồ đã để riêng ra phòng lúc khẩn cấp. Tôi không dám cạo râu vì sợ để lại dấu vết, hơn nữa tôi không có ý định ra phố. Tôi đã nghĩ tới anh cả ngày, tôi thấy chỉ còn cách nhờ anh mà thôi. Tôi đứng bên trong cửa sổ nhìn ra đường chờ anh về, rồi lẻn xuống cầu thang để gặp anh. Đầu đuôi câu chuyện là vậy, thưa anh.

Ông ta ngồi đó, mắt chớp chớp, bồn chồn vì căng thẳng, nhưng dáng vẻ kiên quyết của kẻ không còn lựa chọn. Tới lúc này tôi đã tin tưởng ông ta. Câu chuyện của ông ta nghe kỳ lạ lắm, nhưng tôi đã từng nghe nhiều chuyện còn lạ hơn mà hóa ra có thật, nên tôi nhìn người chớ không nhìn chuyện nữa. Nếu quả tình ông ta muốn lọt vô nhà để cắt cổ tôi thì hẳn ông ta sẽ bịa câu chuyện nào cho dễ nghe hơn một chút. Tôi nói:

- Đưa chìa khóa nhà ông đây để tôi lên coi cái xác của ông. Xin lỗi là tôi còn nghi ngờ, nhưng buộc lòng tôi phải kiểm chứng chuyện ông nói.

Ông ta rầu rĩ lắc đầu:

- Tôi biết thế nào anh cũng hỏi, nhưng tôi không giữ chìa khóa. Tôi bỏ nguyên chùm trên bàn trong phòng ngủ để không gây nghi ngờ. Kẻ thù của tôi tinh lắm. Anh phải tin tôi một đêm vậy, tới sáng mai chắc chắn anh sẽ có được bằng chứng về cái xác trên nhà tôi.

Tôi cân nhắc một vài giây rồi nói:

- Được, tôi đồng ý tin ông một đêm. Tôi sẽ khóa cửa nhốt ông trong phòng này. Nhưng ông liệu đó, ông Scudder. Tôi tin ông nói thật, nhưng nếu ông định lừa tôi thì tôi báo trước tôi xài súng cũng quen tay lắm đó!

Ông ta bật dậy nói:

- Đương nhiên rồi! Thưa anh, tôi chưa hân hạnh biết tên anh, nhưng tôi xin nói anh là người rất đáng nể. Anh làm ơn cho tôi mượn đỡ đồ cạo râu.

Tôi dẫn ông ta vô phòng ngủ rồi để mặc ở đó. Nửa tiếng sau tôi không nhận ra nổi người vừa bước ra. Chỉ có cặp mắt sắc với tia nhìn hừng hực là còn nguyên. Ông ta cạo sạch râu, tóc rẽ chính giữa, lông mày tỉa thưa. Dáng điệu ông ta có vẻ lính tráng cộng với nước da ngăm nhìn hệt như hình mẫu của sĩ quan Anh đóng quân lâu ngày bên Ấn Độ. Ông ta đeo cả kính một tròng và giọng nói không còn một chút gì của người Mỹ.

Tôi kinh ngạc lắp bắp:

- Trời đất! Ông Scudder à ...

Ông ta sửa lại:

- Không phải Scudder. Tôi là đại úy Theophilus Digby thuộc lữ đoàn Gurkha thứ bốn mươi, đang về phép. Xin anh nhớ dùm cho.

Tôi dọn cho ông ta cái giường trong phòng hút thuốc rồi đi nằm, lòng thấy vui vẻ hơn so với suốt tháng nay. Ngay cả ở cái thành phố tẻ nhạt này thỉnh thoảng cũng xảy ra chuyện hấp dẫn đó chớ.



Sáng hôm sau lúc tỉnh dậy tôi nghe tiếng Paddock, tức người giúp việc cho tôi, đang ầm ầm lắc cửa phòng hút thuốc. Paddock là người mang ơn tôi ở Selakwe, và khi tới Anh tôi kéo cậu ta vô làm người giúp việc. Cậu ta lầm lì và vụng về, nhưng tôi biết tôi có thể tin tưởng hoàn toàn vào cậu ta.

Tôi nói:

- Đừng làm ồn nữa, Paddock. Bạn của tôi, đại úy ... đại úy ... (tôi không nhớ ra cái tên) đang ngủ trong đó. Sửa soạn điểm tâm cho hai người xong lại đây tôi nói chuyện.

Tôi kể với Paddock bạn tôi là người rất đàng hoàng, nhưng vì làm việc quá sức nên đang bị suy nhược thần kinh và cần tuyệt đối nghỉ ngơi trong yên lặng. Không ai được biết bạn tôi đang ở đây, nếu không ông ta sẽ bị ngài thủ tướng cũng như người bên Vụ Ấn Độ quấy rầy. Phải công nhận Scudder nhập vai trọn vẹn suốt bữa điểm tâm. Ông ta nhìn Paddock qua cái kính một tròng đúng kiểu sĩ quan Anh, hỏi cậu ta về chiến tranh Boer và nhắc với tôi về một lô bạn bè tưởng tượng. Paddock không quen nổi chuyện "thưa ông" với tôi, nhưng cậu ta nhứt định một hai kính cẩn "thưa ông" với Scudder.

Tôi để ông ta ở nhà với tờ báo và hộp xì gà rồi vô khu trung tâm cho tới giờ ăn trưa. Khi tôi về thì người coi thang máy mặt mày nghiêm trọng nói:

- Sáng nay có chuyện ghê lắm, thưa ông. Ông ở căn số mười lăm nổ súng tự tử. Họ vừa chở xác đi. Cảnh sát đang ở trên đó.

Tôi lên căn số mười lăm và thấy hai nhân viên cảnh sát với một sĩ quan đang bận bịu xem xét. Tôi hỏi mấy câu ngớ ngẩn để rồi nhanh chóng bị đuổi ra. Sau đó tôi kiếm người giúp việc của Scudder hỏi chuyện và thấy rõ anh ta không nghi ngờ gì. Anh ta thuộc dạng ưa than thở, mặt mày u sầu, và đồng nửa crown của tôi an ủi anh ta rất nhiều.

Hôm sau tôi dự phiên thẩm tra chính thức. Người đồng sở hữu trong một công ty xuất bản làm chứng là người quá cố đã tới gặp ông ta để chào bán bột giấy, và ông ta tin rằng người quá cố là đại diện cho một doanh nghiệp Mỹ. Bồi thẩm đoàn kết luận đây là một vụ tự sát lúc tinh thần không ổn định, sau đó mấy món đồ của nạn nhân được giao lại cho lãnh sự quán Mỹ. Tôi về kể cặn kẽ với Scudder, ông ta nghe hết sức chăm chú. Ông ta nói ước gì ông ta có mặt, chắc cảm giác cũng ly kỳ như khi đọc cáo phó của chính mình vậy.

Hai ngày đầu ở trong căn phòng phía sau trong nhà tôi ông ta rất bình tĩnh. Ông ta đọc sách báo, hút thuốc và ghi chép đầy sổ tay. Tối nào chúng tôi cũng đánh cờ, và lần nào ông ta cũng hạ tôi sát ván. Tôi cho rằng ông ta đang tĩnh dưỡng để lấy lại sức khỏe đã hao mòn suốt thời gian căng thẳng vừa qua. Nhưng qua ngày thứ ba tôi thấy ông ta trở nên bồn chồn. Ông ta kê ra số ngày còn lại trước mười lăm tháng sáu, gạch bỏ mỗi ngày đi qua bằng bút chì đỏ, ghi chú bằng ký hiệu lên từng ngày một. Tôi thường bắt gặp ông ta đăm chiêu, mắt nghĩ ngợi xa xăm, và sau mỗi lần như vậy lại trở nên lo buồn.

Rồi ông ta lại căng thẳng, lắng nghe từng tiếng động nhỏ và hỏi đi hỏi lại Paddock có tin tưởng được không. Một đôi lần ông ta gắt gỏng rồi sau đó xin lỗi. Tôi không bực ông ta, ngược lại tôi dễ dãi với ông ta hết mức vì biết rằng công tác ông ta đang gánh vác là cực kỳ nặng nề.

Chẳng phải ông ta lo cho tính mạng bản thân, nhưng là lo cho kế hoạch của mình thành hay bại. Ông này nhỏ con mà rắn như đá từ đầu tới chân, không có một tí tẹo mềm yếu nào trong người. Một tối nọ ông ta nghiêm trang nói với tôi:

- Anh Hannay à, tôi nghĩ tôi cần tiết lộ với anh nhiều hơn về vụ này. Tôi sợ phải chết đi mà không có ai chiến đấu tiếp.

Rồi ông ta bắt đầu nói tôi nghe nhiều chi tiết trước đó tôi chỉ biết qua loa. Tôi không để ý lắm, vì thật sự tôi thích nghe chuyện mạo hiểm của ông ta hơn là chuyện chính trị. Tôi nghĩ Karolides với mấy chuyện đại sự của ông ta chẳng liên can gì tới tôi, vậy thì mặc kệ ông ta. Thành ra những gì Scudder nói tôi quên rất nhiều. Tôi chỉ nhớ ông ta nói mối nguy đe dọa Karolides chỉ bắt đầu sau khi ông này tới Luân Đôn, và đến từ những kẻ rất quyền thế không ai ngờ được. Ông ta nhắc tới một phụ nữ liên quan tên Julia Czechenyi. Người này sẽ là mồi nhử để tách Karolides khỏi đội cận vệ riêng. Ông ta cũng nhắc tới Đá Đen và một kẻ có tật nói ngọng, đặc biệt ông ta rùng mình mỗi khi nói tới một người đàn ông già có giọng nói trẻ trung và mí mắt có thể phủ xuống như mắt diều hâu.

Ông ta cũng nhắc nhiều tới cái chết. Ông ta lo cuống chuyện công việc mà lại chẳng hề coi trọng mạng sống của mình.

- Tôi nghĩ cũng như mình mệt quá đi ngủ, rồi hôm sau tỉnh dậy thấy ngoài cửa sổ là một sớm mùa hè và nghe mùi thơm cỏ khô tràn vô phòng. Hồi còn ở Kentucky tôi vẫn thường cảm tạ Chúa vì những buổi sáng như vậy, và tôi nghĩ tôi cũng sẽ cảm tạ Chúa sau khi tỉnh dậy bên kia cái chết.

Ngày hôm sau ông ta vui vẻ hơn nhiều, ôm tiểu sử tướng Stonewall Jackson đọc gần hết ngày. Tôi ra ngoài ăn tối bàn chuyện làm ăn với một kỹ sư mỏ và về nhà độ mười giờ rưỡi, vừa kịp thời gian để đánh ván cờ trước lúc đi ngủ.

Tôi còn nhớ mình ngậm điếu xì gà lúc đẩy cửa phòng hút thuốc. Trong phòng không mở đèn khiến tôi lấy làm lạ. Chắc hôm nay Scudder đi ngủ sớm.

Tôi bật công tắc nhưng không có ai. Rồi tôi nhìn thấy ở góc phòng phía trong một thứ khiến tôi nhả điếu xì gà khỏi miệng, cả người toát mồ hôi lạnh.

Ông khách của tôi nằm ngửa trên sàn, tay chân sải rộng. Một con dao dài đâm qua tim găm ông ta xuống sàn nhà.

No comments:

Post a Comment