Sunday, April 15, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 7: Người đi câu

Tôi ngồi trên đỉnh đồi điểm lại tình hình, cả người đau đớn khó chịu khiến nỗi mừng thoát chết cũng mờ nhạt đi. Khói thuốc nổ làm tôi nhiễm độc nặng, lại thêm trọn buổi chiều phơi nắng trên nóc chuồng bồ câu khiến tôi đau buốt trong đầu và buồn nôn kinh khủng. Ngoài ra vai tôi cũng có chuyện, mới đầu tôi nghĩ chỉ là bị bầm nhưng sau lại thấy sưng lên, còn cánh tay trái không nhúc nhích được.

Kế hoạch của tôi là tìm tới nhà ông Turnbull để lấy mấy cái áo và quan trọng nhất là cuốn sổ của Scudder, rồi ra đường xe lửa đón tàu đi về phía nam. Tôi muốn liên lạc với Sir Walter Sullivant trong Bộ Ngoại Giao sớm chừng nào tốt chừng đó. Tôi chỉ có thể thu thập chừng đó chứng cớ, ông ta tin hay không thì tùy. Vả lại thà ở trong tay ông ta còn hơn là bị bọn Đức quỉ quái kia tóm được. Lúc này tôi đã bắt đầu thấy có cảm tình với cảnh sát Anh.

Đêm tuyệt đẹp đầy sao, tôi tìm đường không khó khăn mấy. Tấm bản đồ của Sir Harry đã cho tôi biết địa hình vùng này, và tôi chỉ cần xoay theo vài độ la bàn tiến về hướng tây - tây nam là tới được con suối chỗ tôi gặp người phu làm đường. Suốt cuộc hành trình tôi không biết tên những nơi mình đã đi qua, nhưng tôi tin chắc con suối đó là thượng nguồn sông Tweed. Tôi ước tính đường dài khoảng mười tám dặm, nghĩa là tôi sẽ không kịp tới nơi trước khi trời sáng. Do đó tôi phải tìm chỗ lánh tạm, vì bộ dạng tôi quá kinh khủng không thể đi đâu ban ngày được. Tôi không có cả áo khoác lẫn áo chẽn, cổ áo và mũ cũng không, quần thì rách bươm, còn mặt với hai tay đen nhẻm vì khói thuốc nổ. Tôi chắc mình còn có nhiều nét đẹp khác nữa, vì mắt tôi cảm thấy như đang tóe máu. Tóm lại tôi không dám để người đàng hoàng nào nhìn thấy mình trên đường lộ.

Trời vừa sáng tôi xuống suối rửa ráy tạm rồi lại gần túp nhà của một người chăn cừu, vì tôi đang đói lắm. Người chăn cừu không có nhà, chỉ có một mình bà vợ, chung quanh năm dặm không có ai ở gần. Bà này già nhưng còn khỏe và gan dạ, vì tuy lúc đầu thấy tôi thì sợ, nhưng lập tức bà cầm lấy rìu sẵn sàng bửa vào kẻ gian. Tôi nói mình bị té mà không giải thích gì thêm, nhưng nhìn là bà biết ngay tôi đang yếu lắm. Bà không hỏi gì thêm nhưng rót cho tôi tô sữa tươi pha một chút whisky, rồi để tôi ngồi sưởi bên bếp lửa. Bà cũng muốn xức thuốc lên vai tôi, nhưng tôi đau quá không chịu để bà đụng vô.

Tôi không biết bà cho tôi là hạng người gì, có lẽ là tên trộm hối cải, vì khi tôi muốn trả tiền sữa và đưa ra đồng sovereign - tôi không có tiền nhỏ hơn - thì bà lắc đầu từ chối và biểu "để đó đưa lại cho người ta." Nghe vậy tôi phản đối mạnh khiến bà cũng chịu tin tôi, cầm lấy đồng tiền và đưa thêm tấm mền ấm dệt ca-rô với chiếc mũ cũ của chồng bà. Bà chỉ tôi cách choàng tấm mền lên vai, và khi rời khỏi đó chắc tôi nhìn giống hệt tranh minh họa người đàn ông xứ Scotland trong những tập thơ của Burns. Dù sao tôi cũng đã được mặc kỹ hơn trước.

Cũng vừa kịp lúc, vì gần tới trưa trời chuyển mưa. Tôi tránh mưa dưới một gờ đá tại khúc ngoặt của một con suối, ở đây có mớ dương xỉ khô bị tấp vô bờ có thể dùng làm chỗ nằm tạm. Tôi ngủ cho tới tối, tỉnh dậy thấy người ê ẩm, bắp thịt cứng đơ, vai trái đau dai dẳng như đau răng. Tôi ăn chút bánh lúa mạch với pho-mát của bà lão đưa cho, rồi lên đường khi đêm vừa xuống.

Tôi không kể lại đây những gì khổ sở phải trải qua giữa vùng đồi núi đẫm mưa trong đêm đó. Không có sao trên trời để nhắm hướng, tôi phải ráng tìm theo bản đồ trong trí nhớ. Tôi bị lạc đường hai lần, lại còn té vô hố than bùn đau điếng. Đường chim bay chỉ có mười dặm, nhưng vì chệch hướng nên tôi phải đi gần hai mươi dặm mới tới nơi. Tôi đi hết đoạn đường cuối cùng trong lúc răng nghiến chặt còn đầu óc choáng váng, nhẹ hẫng. Tôi gõ cửa nhà ông Turnbull lúc mờ sáng. Chung quanh sương mù dày đặc, đứng trước nhà không nhìn thấy đường lộ.

Ông Turnbull ra mở cửa, bộ dạng tỉnh táo, quá tỉnh là đằng khác. Ông ta nhìn rất trang trọng trong bộ vét đen tuy cũ nhưng được giữ kỹ, râu mới cạo, cổ áo tốt, tay trái cầm cuốn Kinh Thánh cỡ nhỏ. Mới đầu ông ta không nhận ra tôi nên hỏi:

- Ông là ai mà sáng sớm chủ nhật lại tới đây?

Tôi đã quên đếm ngày. Thì ra hôm nay là chủ nhật nên ông ta chải chuốt thấy lạ như vậy.

Đầu tôi quay mòng mòng, không nói được lời nào rõ ràng. Nhưng ông ta nhận ra tôi và thấy rõ tôi đang bịnh.

Ông ta hỏi:

- Anh có đem theo cặp kiếng của tôi không?

Tôi thọc tay vô túi quần lấy kiếng trả cho ông ta. Ông ta nói:

- Anh tới lấy áo phải không? Vô nhà đi. Coi anh đứng còn không nổi kìa. Ráng chút để tôi dắt anh lại ghế ngồi.

Tôi biết mình đã bị sốt. Bịnh sốt đã nằm sẵn trong người tôi và phát ra sau một đêm dầm mưa, lại thêm bả vai đau nhức và khói thuốc nổ độc khiến tôi muốn lả đi. Chưa kịp định thần tôi đã thấy ông Turnbull giúp cởi quần áo và đưa tôi lên chiếc giường kê trong hốc buồng nhỏ sát bếp.

Phải nói người phu già này thật sự là người bạn đúng nghĩa. Ông góa vợ đã nhiều năm và sống một mình từ khi con gái đi lấy chồng. Suốt gần mười ngày ông săn sóc tôi theo cách đơn sơ, nhưng tôi cũng chỉ cần có vậy. Tôi muốn được để yên trong lúc chờ đợi trận sốt đi qua, và khi da thịt đã mát trở lại tôi nhận thấy vết thương ở vai cũng êm đi nhiều. Nhưng trận sốt quả là nặng, tuy tôi ngồi dậy được sau năm ngày nhưng cũng phải ít lâu nữa mới đi lại được.

Mỗi sáng ông ra khỏi nhà, để cho tôi sữa đủ dùng trong ngày và khóa cửa lại. Tới tối ông về ngồi lặng lẽ bên góc bếp. Không một ai lại gần túp nhà. Khi tôi đã khỏe hơn ông cũng không hề hỏi han quấy rầy. Có mấy lần ông đem về cho tôi tờ Người Scotland đã cũ hai ngày, và tôi nhận thấy vụ án mạng ở Portland Place đã không còn ai để ý tới. Trong báo không nhắc lấy một dòng tới vụ án mạng, cũng không có tin gì khác ngoài sự kiện gọi là Đại Hội Đồng mà theo tôi hiểu chỉ là cuộc tụ tập náo nhiệt của giới chức sắc tôn giáo.

Một hôm ông mở khóa ngăn kéo lấy ra chiếc thắt lưng của tôi và nói:

- Trong này nhét nhiều tiền quá. Tôi nghĩ anh nên đếm lại coi có đủ không.

Ông chẳng bao giờ hỏi tên tôi. Tôi muốn biết có ai tới hỏi han gì sau vụ tôi vá đường hay không.

- Có một ông chạy xe hơi lại hỏi bữa đó ai làm thế cho tôi. Tôi nói bộ ông điên sao. Nhưng ông ta cứ gặng riết nên tôi mới nói chắc là thằng em tôi bên làng Cleuch lâu lâu qua giúp một tay. Ông ta coi bộ cau có lắm, nói giọng gì tôi nghe không hiểu mấy.

Tôi trở nên bồn chồn suốt mấy ngày cuối, và khi đã thấy khỏe tôi quyết định đi ngay. Ngày mười hai tháng sáu có một người lùa bò đi ngang, ông ta trên đường tới Moffat. Ông ta tên Hislop, là bạn với ông Turnbull, ghé lại ăn sáng với chúng tôi và rủ tôi đi chung.

Tôi vất vả lắm mới ép được ông Turnbull nhận năm pound cho thời gian tôi trú lại. Tôi chưa gặp ai tánh tình độc lập như ông. Khi bị tôi nài nỉ ông trở nên cau có, mặt đỏ bừng, cuối cùng miễn cưỡng cầm tiền mà không nói cảm ơn. Khi tôi nói mình mang ơn ông rất nhiều thì ông chỉ làu bàu "anh giúp tôi thì tôi giúp lại." Chúng tôi chia tay mà cứ như là giận nhau.

Hislop tánh tình vui vẻ, tán đủ chuyện từ lúc qua đèo cho tới khi đi vào thung lũng Annan ngập nắng. Tôi nói chuyện mua bán cừu ở Galloway và ông ta kết luận tôi là một người "chăn chia bầy" ở địa phương, tôi cũng không rõ tên gọi đó nghĩa là gì. Như đã nói, tấm mền ca-rô với chiếc mũ cũ đem lại cho tôi vẻ người Scotland đặc trưng như vẫn thường mô tả trên sân khấu. Tuy nhiên lùa bò là công việc hết sức chậm chạp, gần hết ngày mà chúng tôi mới đi được hơn chục dặm đường.

Nếu như đừng lo lắng trong lòng thì tôi cũng thích thú chuyến đi này lắm. Bầu trời xanh nắng tràn, cảnh vật luân phiên hết đồi nâu lại tới đồng cỏ xanh trong tiếng chim kêu và suối đổ bất tận. Nhưng tôi không còn tâm trí nào để thưởng thức cảnh mùa hè và chỉ trò chuyện qua loa với Hislop. Ngày mười lăm hệ trọng đã gần kề, và lòng tôi đang bấn lên vì công tác cam go không mấy hy vọng của mình.

Tôi ăn tối tại một quán bình dân ở Moffat rồi đi bộ hai dặm tới chỗ giao với đường tàu lửa chính. Phải nửa đêm mới có tàu tốc hành đi về phía nam, tôi bèn lên sườn đồi làm một giấc cho qua thì giờ vì lội bộ cả ngày đã làm tôi mệt đừ. Tôi ngủ quên, phải chạy vội tới ga mới kịp lên tàu hai phút trước giờ khởi hành. Ngồi trên ghế nệm cứng nghe mùi thuốc lá lâu ngày trong toa hạng ba khiến tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi cảm thấy mình đang quen dần với nhiệm vụ.

Tôi xuống ga Crewe lúc trời còn khuya và phải chờ tới sáu giờ sáng mới có tàu đi Birmingham. Tôi tới Reading vào buổi chiều, đổi qua tàu địa phương chạy sâu vào quận Berkshire. Không bao lâu tôi đã ở giữa một vùng đồng cỏ ẩm ướt xanh rì với những con suối lững lờ mọc đầy lau lách. Khoảng tám giờ tối, một khách lữ hành dáng điệu bơ phờ, áo quần xộc xệch nửa giống dân cày nửa giống thầy thú y, tấm mền ca-rô đen trắng vắt trên tay (tôi không dám khoác mền sau khi ra khỏi Scotland), bước xuống ga Artinswell bé nhỏ. Trên sân ga có mấy người, tôi phải đợi ra xa mới dám hỏi đường.

Con đường dẫn qua cánh rừng dẻ toàn cây cao lớn, rồi tới một thung lũng cạn chung quanh là đồi cỏ xanh nhìn xuống những ngọn cây xa xa. Không khí ở đây không nhẹ lâng như ở Scotland mà trĩu ngọt mùi hoa dẻ với tử đinh hương đang nở rộ. Tôi tới cây cầu bắt qua dòng suối trong chảy chầm chậm giữa những luống hoa mao lương nở trắng toát. Ngược về phía nguồn gần đó có một nhà xay lúa, tiếng nước tràn qua đập chắn nghe mát lạnh trong trời hoàng hôn thơm ngát. Không hiểu sao nơi này làm tôi thấy dễ chịu hẳn. Tôi nhìn xuống lòng suối xanh thẳm và buột miệng huýt gió điệu nhạc "Annie Laurie".

Có người câu cá từ bờ suối đi lên, khi tới gần tôi ông ta cũng huýt gió theo cùng điệu nhạc. Ông ta tướng cao to, quần nỉ xốc xếch, đầu đội mũ rộng vành, chiếc bao vải bạt vắt ngang vai. Ông ta gật đầu chào, gương mặt thông minh và hiền hậu tôi chưa thấy ai hơn. Ông ta gác vô thành cầu chiếc cần mỏng dài mười feet ghép bằng tre chẻ, rồi cũng nhìn xuống nước bên cạnh tôi.

Ông ta nói giọng vui vẻ:

- Nước trong quá phải không? Sông Kennet này bảo đảm sạch. Coi anh chàng kia kìa, nặng cũng bốn cân là ít. Nhưng hết giờ kiếm mồi buổi tối rồi, không nhử được nó đâu.

- Sao tôi không nhìn thấy gì hết.

- Kia kìa! Cách bụi lau chừng một thước, ngay phía trên chỗ nước đổ xuống bậc đá đó.

- À tôi thấy rồi. Mới nhìn cứ tưởng chỉ là hòn đá đen.

Ông ta ừ một tiếng rồi huýt gió thêm một khúc trong bản "Annie Laurie". Mắt vẫn nhìn chăm xuống suối, ông ta nói ra sau vai:

- Anh tên Twisdon phải không?

Tôi quên mất cái tên giả nên đáp:

- Không, à phải!

Ông ta cười toe nhìn con gà nước dưới gầm cầu bay ra và nhận xét:

- Đã tính chuyện mưu đồ thì phải nhớ mình tên gì chớ.

Tôi đứng thẳng dậy nhìn ông ta, cằm chẻ vuông vức, trán rộng có nếp nhăn, gò má rắn rỏi, và nghĩ thầm cuối cùng mình đã tìm được một đồng minh quí giá. Đôi mắt xanh linh hoạt của ông ta nhìn sâu thăm thẳm.

Thình lình ông ta cau mặt nói to:

- Thật đáng xấu hổ, đàn ông khỏe mạnh như anh lại dám vác mặt đi xin. Anh ra sau bếp nhà tôi sẽ được ăn một bữa, nhưng đừng mong tôi cho tiền bạc gì.

Một xe ngựa chở chó săn đang đi ngang, người thanh niên đánh xe giơ roi chào ông câu cá. Khi chiếc xe đã chạy khuất, ông ta cầm cần câu lên, đưa tay chỉ cánh cổng sơn trắng cách đó chừng trăm thước và nói trước khi đi khỏi:

- Nhà tôi ở đó. Anh hãy chờ năm phút rồi đi vòng ra cửa sau.

Tôi làm theo lời ông ta. Căn nhà xinh xắn, sân cỏ chạy tới bờ suối, hai bên lối đi tú cầu và tử đinh hương mọc rậm rì. Cửa sau để mở, một người quản gia vẻ nghiêm trang đang đứng chờ tôi. Ông ta nói:

- Mời ông đi lối này.

Ông ta dẫn tôi theo hành lang lên cầu thang phụ tới một phòng ngủ sáng sủa dễ chịu, cửa sổ nhìn ra bờ sông. Trên giường đã bày sẵn áo quần lịch sự đầy đủ lệ bộ cho tôi thay - bộ vét nỉ màu nâu, sơ-mi, cổ áo, cà-vạt, bộ cạo râu, lược chải đầu và cả đôi giày da bóng. Người quản gia nói với tôi:

- Sir Walter nói có lẽ ông mặc vừa đồ của cậu Reggie. Cậu ấy có để ít đồ lại đây vì cậu hay tới chơi mỗi cuối tuần. Phòng tắm ở ngay bên cạnh, tôi đã pha nước nóng trong bồn rồi. Nửa tiếng nữa sẽ dọn bữa tối, ông sẽ nghe chuông báo.

Ông ta ra khỏi phòng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành êm ái bọc vải hoa, miệng há hốc. Từ cảnh ăn mày đổi qua chốn tiện nghi đẹp đẽ thình lình như vầy quả là nhiều kịch tính. Rõ ràng Sir Walter tin tưởng tôi, lý do nào thì tôi chưa biết. Tôi nhìn vô gương thấy một gã da nâu vẻ hốc hác man dại, râu ria lởm chởm hai tuần chưa cạo, mắt và tai cáu bẩn, không cổ áo, sơ-mi màu mè rẻ tiền, bộ đồ ngoài bằng vải tweed xộc xệch cũ kỹ, còn đôi giày cả tháng chưa lau chùi. Nhìn tôi giống hệt tên lang thang không nhà và cũng khá giống kẻ chuyên lùa gia súc ngoài đường, vậy mà ông quản gia rất đỗi nghiêm chỉnh kia lại đưa tôi vô chỗ sang trọng này trong khi tên tôi họ còn chưa biết.

Tôi quyết định được gì hưởng nấy mà khỏi thắc mắc chi cho mệt. Tôi cạo râu, khoan khoái ngâm mình trong bồn nước ấm rồi mặc quần áo chỉnh tề, bộ vét với chiếc áo sơ-mi sạch còn cứng hồ khá vừa vặn. Xong xuôi tôi soi gương thấy một anh chàng coi cũng không tệ.

Sir Walter chờ tôi trong phòng ăn tối mờ, trên chiếc bàn tròn nhỏ có thắp đèn cầy cắm trong đế bằng bạc. Nhìn ông ta đàng hoàng, địa vị vững vàng, hiện thân của quyền lực và luật pháp cũng như tục lệ xã hội khiến tôi hơi ngại và cảm thấy mình đường đột. Ông ta chắc là không biết gì về tôi nên mới đối xử tử tế như vầy. Không thể để ông ta tiếp đãi mình trong lúc chưa rõ ngọn ngành, tôi bèn nói:

- Tôi biết ơn ông hết sức, nhưng sự thật là tôi đang bị cảnh sát truy nã mặc dù tôi vô tội. Tôi phải nói rõ để ông có muốn đuổi tôi ra thì đuổi.

Ông ta mỉm cười:

- Đừng lo chuyện đó. Anh cứ ăn tự nhiên rồi chúng ta nói chuyện.

Tôi chưa từng dùng bữa ngon miệng như vậy vì cả ngày chỉ ăn tạm sandwich mua ở ga. Sir Walter đãi tôi rất thịnh soạn, dọn sâm-banh đắt tiền rồi lại tới loại rượu port ngon lạ lùng. Tôi ngồi đó được hầu hạ từng chút một và suýt phá lên cười sằng sặc khi nhớ lại suốt ba tuần lễ qua tôi sống như thằng ăn cướp ai cũng muốn đuổi bắt. Tôi kể cho Sir Walter nghe về giống cá cọp ở sông Zambesi hở ra là cắn đứt ngón tay người. Chúng tôi bàn chuyện săn bắn ở các vùng khác nhau trên thế giới vì lúc trẻ ông ta cũng có đi săn nhiều.

Ông ta dẫn tôi vô phòng làm việc dùng cà phê. Căn phòng vui mắt chất đầy sách với cúp thưởng, thiếu ngăn nắp một chút nhưng thoải mái dễ chịu. Tôi nhủ thầm nếu sau này không phải làm việc và có nhà riêng thì tôi sẽ làm một chỗ giống như vầy. Khi cà phê đã dọn đi và xì-gà đã châm lên, ông chủ nhà vắt đôi chân dài lên thành ghế rồi biểu tôi kể đầu đuôi câu chuyện. Ông ta nói:

- Tôi đã làm theo đúng theo lời Harry dặn. Nó có hứa là câu chuyện của anh sẽ làm tôi hoảng hồn. Giờ thì tôi nghe đây, anh Hannay.

Tôi giật thót người khi nghe ông ta gọi đúng tên mình. Tôi kể từ đầu, lúc tôi đang chán Luân Đôn rồi tối về nhà gặp Scudder đứng lắp bắp trước cửa. Tôi kể Scudder nói gì về Karolides và cuộc hội nghị của Bộ Ngoại Giao khiến ông ta bĩu môi rồi bật cười. Lúc tôi kể tới vụ án mạng ông ta nghiêm trang trở lại. Ông ta nghe hết chuyện người giao sữa, những gì tôi đã làm ở Galloway cũng như chuyện tôi giải được mật mã trong sổ tay của Scudder. Ông ta hỏi giật:

- Anh có cuốn sổ đó ở đây không?

Tôi móc túi lấy cuốn sổ và ông ta thở phào. Tôi không nói gì tới nội dung trong sổ mà kể tiếp chuyện gặp Sir Harry và buổi diễn thuyết trong hội trường. Nghe tới đó ông ta cười rộ.

- Harry nó nói vớ vẩn lắm phải không? Nghe anh kể là tôi tin liền. Nó tốt lắm, tội cái là bị ông bác ngu ngốc nhồi vô đầu toàn chuyện tầm bậy. Kể tiếp đi, anh Hannay.

Ông ta rất chú ý tới vụ tôi giả làm phu vá đường, yêu cầu tả thật kỹ hai tên chạy xe rồi có vẻ ráng lục lọi trong trí nhớ. Ông ta vui vẻ trở lại khi nghe tôi kể chuyện gã ngốc Jopley. Nhưng lão già ở ngôi nhà giữa vùng trảng cỏ khiến ông ta trở nên hết sức nghiêm trang, và tôi phải tả lại từng chi tiết nhỏ về bộ dạng của lão.

- Mặt hiền, đầu hói, mí mắt kéo xuống như mắt chim... Tả nghe giống như giống chim săn mồi vậy. Rồi anh cho nổ tung chỗ ẩn cư của hắn sau khi hắn cứu anh khỏi tay cảnh sát? Anh gan lắm chớ không phải vừa!

Tôi kể tới đoạn kết của những ngày lang bạt vừa qua. Ông ta chậm rãi đứng dậy trên tấm thảm trước lò sưởi, nhìn thẳng xuống tôi đang ngồi và nói:

- Anh không cần phải lo lắng gì về cảnh sát nữa. Anh không còn bị rắc rối với pháp luật đâu.

Tôi thốt lên:

- Trời đất! Bộ họ bắt được thủ phạm rồi sao?

- Chưa đâu. Nhưng họ đã loại anh khỏi danh sách tình nghi từ hai tuần nay.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao vậy?

- Chủ yếu là do tôi được thư của Scudder. Tôi có biết ông ta, trước ông ta có giúp tôi vài việc. Scudder thuộc dạng nửa lập dị nửa thiên tài, nhưng rất thành thật. Có điều ông ta ưa hành động riêng lẻ nên không làm công tác mật vụ được, thật uổng vì ông ta có tài lắm. Tôi nghĩ ông ta là người can đảm hiếm có, tuy sợ chết khiếp nhưng giá nào cũng không chịu lùi bước. Tôi được thư của ông ta ngày ba mươi mốt tháng năm.

- Nhưng lúc đó ông ta đã chết được một tuần rồi.

- Lá thư đó viết và gởi đi ngày hăm ba. Rõ ràng ông ta không ngờ bị giết sớm như vậy. Thư từ của ông ta tôi phải mất cả tuần mới nhận được vì gởi qua Tây Ban Nha để che mắt rồi mới chuyển về Newcastle. Anh biết đó, ông ta lúc nào cũng lo che đậy dấu vết rất kỹ.

Tôi lắp bắp hỏi:

- Ông ta nói gì vậy?

- Không có gì quan trọng. Ông ta chỉ nói đang gặp nguy hiểm nhưng đã tìm được chỗ trốn ở nhà một người bạn, và tôi sẽ được tin trước ngày mười lăm tháng sáu. Ông ta không cho biết địa chỉ, chỉ nói là ở gần Portland Place. Tôi đoán ông ta không muốn anh bị liên lụy nếu có chuyện xảy ra. Sau khi được thư tôi tới sở cảnh sát rà lại biên bản thẩm tra và kết luận anh chính là người bạn Scudder nói trong thư. Chúng tôi có điều tra về anh và biết anh là người đàng hoàng. Tôi cũng hiểu lý do anh đi trốn, không chỉ vì sợ cảnh sát mà còn sợ phe kia nữa. Khi được mấy chữ của Harry thì tôi đoán ra hết. Tôi đã chờ anh cả tuần nay.

Nghe vậy tôi nhẹ nhõm hết sức. Tôi cảm thấy mình lại được tự do, không còn phải đối phó với pháp luật mà chỉ phải đương đầu vói kẻ thù của quốc gia. Sir Walter tiếp:

- Bây giờ chúng ta hãy coi trong sổ viết gì.

Chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ mới đọc hết. Tôi cắt nghĩa qui tắc mật mã và ông ta hiểu rất nhanh. Ông ta sửa tôi mấy chỗ sai lúc giải mã, nhưng nói chung tôi đã giải đúng nội dung. Chưa đọc xong ông ta đã tỏ vẻ nghiêm trọng, ngồi lặng đi một lát.

Cuối cùng ông ta nói:

- Tôi thật không biết nghĩ sao. Scudder nói đúng về việc sẽ xảy ra ngày mốt. Làm sao ông ta lại biết được? Chừng đó cũng đủ đáng lo rồi. Nhưng còn chuyện chiến tranh với Đá Đen thì nghe sao cường điệu quá sức. Tôi không hoàn toàn tin vào suy xét của Scudder. Ông ta có tật lãng mạn quá lố, tánh nết nghệ sĩ cứ muốn thêm thắt cho câu chuyện ly kỳ hơn thực tế. Ông ta cũng mang nhiều thành kiến, không ưa người Do Thái và giới tài phiệt.

Ông ta lặp lại:

- Đá Đen. Der schwartze Stein. Nghe như tiểu thuyết ba xu. Lại còn chuyện về Karolides nữa. Chỗ này là điểm yếu nhất của câu chuyện, vì tôi biết chắc ngài Karolides quí hóa coi bộ còn sống lâu hơn cả anh với tôi. Không quốc gia châu Âu nào lại muốn trừ khử ông ta. Vả lại ông ta vừa mới có hành động xuôi theo Berlin và Vienna khiến cho xếp của tôi đau đầu một bữa. Không, Scudder đã lầm chỗ này rồi. Thật tình tôi không tin phần này của câu chuyện. Tôi tin có âm mưu đen tối nào đó mà Scudder lại biết được quá nhiều nên bị mất mạng. Nhưng tôi dám chắc đó chỉ là chuyện do thám thường tình mà thôi. Có cường quốc nọ bên lục địa rất thích mấy trò do thám, mà phương pháp của họ cũng không sạch sẽ gì lắm. Họ trả công theo thành tích nên đám lưu manh tay chân cũng không ngại chuyện giết một hai mạng người. Tôi nghĩ họ muốn biết chúng ta bố trí hạm đội ra sao để cất làm tài liệu ở bộ hải quân thôi chớ không có ý gì khác.

Ngay lúc đó người quản gia bước vô phòng.

- Thưa ông chủ, có điện thoại đường dài từ Luân Đôn. Ông Heath gọi muốn nói chuyện trực tiếp với ông chủ.

Ông chủ nhà đi ra nghe điện thoại. Năm phút sau ông ta quay lại, mặt mày tái nhợt, và nói:

- Tôi phải xin lỗi vong linh của Scudder. Karolides vừa bị bắn chết lúc hơn bảy giờ tối nay.

No comments:

Post a Comment