Friday, April 13, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 4: Ứng cử viên

Tôi lái chiếc xe bốn mươi mã lực chạy ào trên những con đường đất trảng mát lạnh dưới ánh nắng buổi sáng tháng năm rực rỡ. Mới đầu tôi cứ lo lắng hết liếc ra sau lại coi chừng khúc quanh phía trước, nhưng về sau mắt tôi chỉ còn chú ý vừa đủ để điều khiển tay lái vì tâm trí tôi đang mải miết nghĩ về những điều vừa đọc được trong cuốn sổ của Scudder.

Scudder đã kể tôi nghe một mớ chuyện bịa đặt. Tất cả những gì ông ta nói về tình hình Balkans, về bọn vô chính phủ Do Thái hay hội nghị của bộ ngoại giao đều chỉ là trò che mắt, kể cả chuyện Karolides. Tuy nhiên cũng không hẳn vậy, tôi sẽ giải thích sau. Tôi đã tin lời ông ta mà liều mạng, hóa ra ông ta lại gạt tôi. Cuốn sổ của ông ta kể ra câu chuyện hoàn toàn khác, nhưng thay vì bị lần đầu chừa lần sau tôi lại tin chắc những gì mình vừa đọc là có thật.

Tôi cũng không rõ tại sao mình vẫn tin chuyện của Scudder, nhưng sự việc ông ta ghi lại nghe rất thuyết phục, có lẽ cũng do tính chất cực kỳ nghiêm trọng và cấp bách của nó. Ngoài ra chuyện ông ta kể với tôi lúc đầu tuy bịa đặt, nhưng xét về tinh thần chung vẫn đúng. Ngày mười lăm tháng sáu tới vẫn sẽ là ngày định mệnh, nhưng lớn lao rất nhiều lần so với việc ám sát một người Hy Lạp. Việc lớn đến nỗi tôi không ngạc nhiên là ông ta đã bỏ tôi ra ngoài để ôm hết lấy một mình. Đó là ý định của ông ta, bây giờ tôi mới thấy rõ. Chuyện ông ta nói với tôi đã là lớn, nhưng âm mưu thật sự thì to tát đến độ ông ta tìm ra xong chỉ muốn giữ hết cho mình. Tôi chẳng trách ông ta, vì xét cho cùng chẳng qua ông ta không muốn chia nguy hiểm cho người khác.

Toàn bộ câu chuyện được Scudder chép trong sổ tay, cũng có những khoảng trống có lẽ ông ta đã nhớ kỹ trong đầu không cần ghi lại. Ông ta còn có cái trò lạ là kê ra và cho điểm mỗi nguồn tin, từ đó tính ra một con số tiêu biểu cho độ tin cậy của từng phần trong câu chuyện. Bốn cái tên chữ in trong sổ chính là các nguồn tin, ngoài ra có một người tên Ducrosne được năm điểm trên năm, còn một người khác tên Ammersfoort được ba điểm. Bên cạnh những điểm chính yếu của sự việc, trong sổ còn có một cụm từ lạ được nhắc lại nhiều lần trong ngoặc. Đó là mấy chữ "ba mươi chín bậc", và lần cuối cùng Scudder viết trong sổ như vầy: "Ba mươi chín bậc, đã đếm kỹ, nước lớn 10 giờ 17 phút tối." Tôi không hiểu được chỗ này có nghĩa gì.

Điều đầu tiên tôi được biết là chiến tranh không thể nào tránh khỏi, vì theo lời Scudder mọi việc đã an bài từ tháng hai năm 1912. Karolides sẽ là cái cớ. Ông ta cũng như cá đã nằm trên thớt, và lưỡi dao sẽ phập xuống vào ngày mười bốn tháng sáu, hai tuần và bốn ngày tính từ buổi sáng tháng năm hôm nay. Cứ theo ghi chép của Scudder thì không có gì trên đời có thể ngăn được sự kiện nói trên. Chuyện ông ta nói về đội cận vệ người Epirus đặt nhiệm vụ trên cả gia đình chỉ là bịa đặt.

Điều thứ hai là cả nước Anh sẽ hoàn toàn bất ngờ khi chiến tranh xảy ra. Cái chết của Karolides sẽ tạo căng thẳng lớn trong tình hình Balkans, và nước Áo sẽ châm thêm dầu vô lửa bằng một tối hậu thư. Nước Nga sẽ bực dọc, tranh cãi sẽ nổ ra. Nhưng nước Đức sẽ đứng ra giảng hòa, xoa dịu các bên rồi thình lình kiếm cớ gây hấn và tấn công nước Anh chỉ trong vòng năm tiếng đồng hồ. Mưu kế của chúng là như vậy, kể cũng tài tình. Lời lẽ hòa nhã lúc đầu, rồi giáng một cú bất ngờ trong bóng tối. Giữa lúc người Anh còn đang bàn tán về thiện chí của người Đức thì bờ biển đã bị gài đầy mìn và từng chiến hạm đã bị tàu ngầm chực sẵn.

Tuy nhiên cả hai điều trên phụ thuộc vào điều thứ ba được ấn định sẽ xảy ra ngày mười lăm tháng sáu. Tôi chỉ hiểu được việc này nhờ có lần tình cờ gặp một sĩ quan tham mưu Pháp từ Tây Phi trở về. Ông ta kể tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có chuyện bất chấp những tranh cãi rỗng tuếch ở nghị viện, giữa hai nước Pháp và Anh có mối quan hệ liên minh thực thụ, và hai tướng tổng tham mưu thỉnh thoảng lại gặp gỡ để bàn tính kế hoạch phối hợp trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Vào tháng sáu tới đây một nhân vật trọng yếu sẽ từ Paris qua nhận tài liệu tối mật về chiến lược bố trí hạm đội biên phòng của hải quân Anh. Tôi hiểu là như vậy, dù gì thì cũng sẽ là một thứ tài liệu cực kỳ quan trọng.

Nhưng vào ngày mười lăm tháng sáu tại Luân Đôn cũng sẽ có mặt một số nhân vật khác, là ai thì tôi chỉ có thể đoán. Scudder gọi chung họ là "Đá Đen". Họ không đại diện cho đồng minh mà cho kẻ thù hiểm độc của nước Anh, và tài liệu nói trên thay vì tới Pháp lại sẽ lọt vào tay họ. Chỉ một hoặc hai tuần sau thông tin trong đó sẽ được sử dụng cùng với đại pháo và thủy lôi thình lình xuất hiện vào một đêm hè tối trời.

Đó chính là câu chuyện tôi giải mã được trong căn phòng nhìn ra vườn rau sau lưng một quán trọ nhà quê. Đó cũng là câu chuyện tôi nghiền ngẫm trong đầu giữa lúc phóng chiếc xe mui trần từ thung lũng này ngoặt qua thung lũng khác.

Thoạt đầu tôi muốn viết liền một lá thư cho thủ tướng Anh, nhưng nghĩ kỹ một chút tôi thấy cũng vô ích. Ai sẽ tin lời tôi đây? Tôi cần bằng chứng, mà bằng chứng gì thì có trời mới biết. Việc quan trọng hơn hết là giữ mình được an toàn, sẵn sàng hành động khi tình thế biến chuyển; thật không dễ dàng chút nào khi cảnh sát cả nước Anh đang hô hoán đuổi theo tôi và bọn Đá Đen đang lặng lẽ mà nhanh chóng bám sát dấu vết của tôi.

Tôi không biết chắc mình sẽ đi đâu, nhưng cứ nhắm mặt trời lái về hướng đông vì nhớ lại trên bản đồ là về phía bắc có nhiều mỏ than cùng với nhà máy. Lát sau tôi đổ dốc ra khỏi vùng trảng, băng ngang cánh đồng cỏ rộng ven sông. Tôi chạy dọc bờ tường rào dài mấy dặm, nhìn qua chỗ cây thưa thấy một lâu đài nguy nga. Tôi đi qua những ngôi làng xưa nhỏ bé nhà lợp mái rạ, những dòng suối bình yên lững lờ, những khu vườn rực rỡ hoa táo gai với kim tước vàng. Khung cảnh hiền hòa đến mức khó tin được có kẻ đang đuổi theo tôi đòi lấy mạng. Cũng thật khó tin là trong vòng một tháng, trừ phi tôi cực kỳ may mắn, những gương mặt dân quê bầu bĩnh kia sẽ trở nên hốc hác căng thẳng và xác người sẽ phơi trên đồng ruộng nước Anh.

Gần trưa tôi tiến vào một ngôi làng nhà cửa lưa thưa trải dài hai bên đường, định bụng tìm quán ăn để ghé lại. Gần tới giữa làng tôi thấy trạm bưu điện, trên thềm có bà trưởng trạm và một cảnh sát viên đang chăm chú đọc bức điện tín. Thấy bóng tôi cả hai ngẩng phắt lên, rồi viên cảnh sát bước tới dơ tay ra hiệu cho tôi ngừng xe.

Suýt nữa tôi đã dại dột làm theo, nhưng trong đầu tôi kịp lóe lên ý nghĩ bức điện tín kia chính là nói về mình. Nhóm người đằng quán trọ hẳn đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, và họ dễ dàng gởi điện báo động tả hình dạng tôi với chiếc xe tới tất cả làng mạc quanh vùng. Tôi lập tức nhả thắng nhưng viên cảnh sát còn ráng níu đầu xe, tôi phải tặng một cú tay trái vô mắt mới chịu buông.

Rõ ràng tôi không thể di chuyển trên các đường chính mà phải rẽ vô đường nhỏ. Thật khó khi không có bản đồ, vì rủi như tôi lái vô nông trại và chạy thẳng tới ao vịt hay chuồng ngựa thì sẽ mất rất nhiều thời gian quí báu. Tôi bắt đầu nhận ra mình đã quá ngu ngốc khi lấy trộm chiếc xe. Bây giờ thì trên cả xứ Scotland ở đâu thấy chiếc xe to đùng màu xanh lục này là biết ngay có tôi ở đó. Nếu tôi bỏ xe đi bộ thì trong vòng một hai tiếng chiếc xe sẽ bị phát hiện mà tôi vẫn chưa thể đi đâu xa.

Việc cấp bách lúc này là tìm tới những con đường thật vắng vẻ. Tôi men ngược dòng một nhánh sông, lọt vào thung lũng núi cao vây quanh rồi tới một con đường quanh co dẫn lên đèo. Nơi đây không một bóng người nhưng đã hơi xa về phía bắc, nên tôi lại theo con đường phụ gập ghềnh rẽ qua hướng đông, cuối cùng gặp một đường xe lửa đôi chạy ngang. Tôi nhìn thấy một thung lũng rộng trước mặt, nếu băng ngang đó có thể tìm được quán trọ nghỉ qua đêm. Trời đã bắt đầu tối, tôi thấy đói cồn cào vì từ sau bữa sáng tới giờ tôi chưa ăn gì ngoại trừ cặp bánh mì nhỏ bán trên xe đẩy dọc đường.

Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng ồn trên bầu trời và kìa, chiếc phi cơ quỉ quái nọ đang bay là mặt đất khoảng chục dặm về phía nam và nhanh chóng tiến lại gần.

Tôi cũng còn tỉnh táo để nhớ rằng giữa đất trảng trống trải tôi hoàn toàn bất lực trước kẻ thù ngồi trên máy bay, và lối thoát duy nhất là ẩn dưới những tán cây rậm trong thung lũng trước mặt. Tôi phóng như bay xuống dốc, chốc chốc lại ngoái cổ dòm chừng chiếc phi cơ. Giây lát sau con đường đã chạy giữa hai bờ cây thấp rồi chúi xuống trũng sâu của một con suối. Một dải rừng rậm xuất hiện, và tôi từ từ bớt ga.

Thình lình tôi nghe tiếng còi xe bên trái và hoảng kinh nhận ra mình đang ở gần sát hai trụ cổng lối từ nhà riêng đâm ra đường. Tôi cuống quít nhấn còi nhưng đã quá trễ. Tôi đạp thắng nhưng trớn xe quá mạnh, còn chiếc xe kia đang lao tới chắn ngang ngay trước mặt tôi. Tích tắc nữa là hai xe sẽ đụng nhau nát bét. Tôi làm theo khả năng duy nhất lúc đó là ngoặt tay lái đâm vô bờ rào bên lề phải, hy vọng bên kia rào không có chướng ngại đáng kể.

Nhưng tôi đã lầm. Chiếc xe đâm ào qua bờ rào rồi chúi sâu xuống làm tôi thót tim. Tôi hiểu ra chuyện gì đang tới bèn nhảy lên ghế chực phóng ra ngoài, nhưng một cành táo gai mắc ngang ngực đã nhấc bổng tôi lên và giữ tôi lại trong lúc dưới chân cả mấy tấn kim loại đắt tiền trượt nhào từ trên cao năm mươi feet đâm sầm xuống vực.



Cành táo gai từ từ thả tôi xuống bờ rào, và tôi nhẹ nhàng lọt vào một lùm cây tầm ma. Giữa lúc tôi loay hoay tìm cách đứng dậy thì có ai đó nắm cánh tay tôi và hỏi có sao không, giọng vừa lo lắng vừa hoảng sợ.

Tôi ngước lên thấy một thanh niên dáng cao mặc áo khoác dài, đeo kính bảo hộ, miệng xuýt xoa và xin lỗi liên tục. Riêng tôi lấy lại hơi thở xong thì thấy mừng là đằng khác vì đã tống khứ được chiếc xe. Tôi đáp:

- Thưa anh đó là lỗi của tôi. May mà những trò ngông của tôi còn chưa gây chết người. Chuyến vòng quanh Scotland của tôi đành chấm dứt ở đây, cũng may là cuộc đời tôi chưa chấm dứt theo.

Anh ta rút đồng hồ coi rồi nói:

- Coi bộ ông là người đàng hoàng. Tôi có được mười lăm phút, còn nhà tôi cách đây chỉ hai phút lái xe. Để tôi giúp ông thay đồ, ăn chút gì rồi đi nghỉ. À, đồ đạc ông đâu? Chắc theo cái xe rớt xuống khe rồi phải không?

Tôi vẩy vẩy chiếc bàn chải đánh răng đáp:

- Đồ đạc tôi nhét hết trong túi. Tôi ở thuộc địa về, quen đi lại tay không rồi.

Anh ta kêu lên:

- Ở thuộc địa về! Ôi, ông đúng là người tôi đang hết sức cần. Có khi nào trời khiến ông theo phe ủng hộ tự do mậu dịch không?

Tôi đáp mà chẳng hiểu ất giáp anh ta muốn nói gì:

- Đúng rồi!

Anh ta vỗ vai tôi rồi hối thúc lên xe. Ba phút sau chúng tôi ngừng trước một nhà nghỉ mùa săn vẻ ấm cúng nép giữa rừng thông. Anh ta đưa tôi vô nhà, dẫn tới một phòng ngủ rồi thảy trước mặt tôi nửa tá bộ vét vì bộ tôi đang mặc đã rách bươm. Tôi lựa bộ hàng serge cỡ rộng màu xanh lam cho thật khác bộ tôi đã mặc và mượn thêm chiếc cổ áo vải lanh. Xong xuôi anh ta lôi tôi vô phòng ăn, trên bàn vẫn còn thức ăn chưa dọn đi, và tuyên bố tôi có năm phút để lót dạ.

- Ông bỏ theo thứ gì vô túi nhấm nháp đỡ, lát về sẽ dùng bữa đàng hoàng. Tôi phải có mặt ở hội trường Tam Điểm lúc tám giờ, nếu không đại diện của tôi sẽ cằn nhằn mệt lắm.

Tôi dùng tách cà phê với ít thịt nguội trong lúc anh ta đứng trước lò sưởi giải thích đầu đuôi câu chuyện.

- Ông tới nhằm lúc tôi đang quýnh lên đây, thưa ông...xin lỗi tôi chưa được biết tên ông. Tên Twisdon? Ông có bà con gì với Tommy Twisdon ở đơn vị bầu cử sáu mươi không? Không có à? Tôi là ứng cử viên đảng Cấp Tiến ở vùng này, và tối nay tôi có cuộc gặp cử tri ở Brattleburn là thành phố chính trong khu của tôi, chỗ này đảng Bảo Thủ mạnh lắm. Tôi có mời được tay cựu thủ tướng ở thuộc địa tên là Crumpleton tới diễn thuyết dùm tối nay, đã quảng cáo um sùm để hấp dẫn công chúng hết rồi. Đùng một cái mới hồi chiều ổng đánh điện nói bị cúm phải nằm lại Blackpool, thành ra tôi phải tự lo liệu lấy mọi chuyện. Theo kế hoạch tôi chỉ lên nói có mười phút, mà bây giờ phải kéo tới bốn mươi phút. Tôi nghĩ nát óc suốt ba tiếng đồng hồ vẫn không biết nói gì cho dài như vậy. Bây giờ ông phải giúp tôi. Ông ủng hộ tự do mậu dịch thì ông cứ lên kể mọi người nghe ở các xứ thuộc địa chính sách bảo hộ mậu dịch đã thất bại ra sao. Mấy ông có tài ăn nói mà, phải chi tôi cũng có cái tài đó. Ông giúp tôi thì tôi mang ơn ông lắm.

Tôi biết rất lờ mờ về chuyện tự do mậu dịch nhưng thấy không còn cách nào khác để đạt mục đích riêng. Thình lình yêu cầu một người lạ diễn thuyết giúp trong khi người ta vừa thoát chết trong gang tấc và mất chiếc xe trị giá cả ngàn guinea thì quả là kỳ khôi, nhưng chàng thanh niên mải bận tâm về tình huống nan giải của anh ta nên không nhận thấy điều đó. Tuy nhiên nhu cầu cấp thiết không cho phép tôi đắn đo. Tôi bèn nói:

- Được rồi. Tôi diễn thuyết chẳng hay gì mấy, nhưng tôi sẽ nói chuyện ở Úc cho họ nghe.

Tôi vừa dứt lời thì bao nhiêu lo âu bỗng chốc tuột mất khỏi vai chàng trai, anh ta mừng quýnh cảm ơn rối rít. Anh ta đưa tôi mượn chiếc áo choàng lớn, không hề thắc mắc tại sao tôi lái xe mà không mặc áo choàng. Trong lúc chúng tôi phóng xe trên mặt đường bụi bặm anh ta kể tôi nghe sơ qua về mình. Anh ta mồ côi, được ông bác nuôi dạy. Tôi quên tên ông bác rồi, nhưng ông ta có chân trong nội các chính phủ và báo chí có đăng những bài ông ta diễn thuyết. Tốt nghiệp đại học Cambridge xong anh ta đi một chuyến vòng quanh thế giới, sau đó không biết làm gì nên ông bác khuyên gia nhập chính trường. Anh ta coi đảng nào cũng như nhau và vui vẻ nói:

- Đảng nào cũng có người tốt và cũng lắm kẻ xấu. Tôi theo phe Cấp Tiến vì gia đình tôi hồi nào tới giờ đều như vậy.

Anh ta không sốt sắng chuyện chính trị cho lắm, nhưng lại có quan điểm rất mạnh mẽ về nhiều thứ khác. Khi nghe tôi có biết chút ít về ngựa anh ta tuôn ra một tràng về những đầu ngựa tham gia giải Derby. Anh ta ôm nhiều kế hoạch để luyện thêm tài bắn súng của mình. Nói chung đây là chàng trai rất đứng đắn, thành thật và non dại.

Lúc đi qua một thị trấn có hai viên cảnh sát ra hiệu cho xe ngừng lại và rọi đèn lên chúng tôi. Một người nói:

- Xin lỗi Sir Harry. Chúng tôi được lệnh truy tìm một chiếc xe hình dạng gần giống như xe này.

Anh bạn tôi đáp:

- Ờ, không sao.

Tôi thầm tạ ơn trên đã cứu tôi bằng nhiều cách lạ kỳ. Sir Harry trở nên im lặng, lo lắng chuẩn bị cho bài diễn thuyết sắp tới. Anh ta mấp máy môi, ánh mắt lơ đãng làm tôi e ngại sẽ có thêm một tai nạn nữa. Tôi cũng ráng nghĩ ra điều gì để lát nữa lên nói, nhưng trí óc tôi cứ trơ như đá. Còn đang nhíu trán thì xe đã ngừng trước một tòa nhà trong phố, và một nhóm quí ông áo cài ruy băng lao nhao ra đón chúng tôi.

Chừng năm trăm người có mặt trong hội trường, phần lớn là phụ nữ, cũng có khá nhiều ông hói đầu và khoảng đôi ba chục thanh niên. Chủ tọa là một ông mục sư mũi đỏ, dáng vẻ thậm thụt, than thở một hồi về việc Crumpleton bị cúm phải vắng mặt rồi mới xác nhận tôi là "nhân vật đi đầu về tư tưởng nhiều uy tín tại Úc". Ngoài cửa có hai viên cảnh sát, tôi thầm mong họ nghe kỹ lời giới thiệu kể trên. Tiếp đó Sir Harry bắt đầu lên diễn đàn.

Tôi chưa nghe ai diễn thuyết kiểu này bao giờ. Anh ta thậm chí không biết phải bắt đầu ra sao. Anh ta cầm theo cả mớ ghi chú và nhìn vào đó đọc to lên, còn khi bỏ xấp giấy ra thì lại lắp bắp hồi lâu. Thỉnh thoảng nhớ được một câu thuộc lòng anh ta ưỡn thẳng người hùng hồn hệt như Henry Irving, nhưng sau đó lại lom khom tay lật lia lịa còn miệng lẩm bẩm gì không ai nghe rõ. Về nội dung thì tầm phào hết chỗ nói. Anh ta đề cập tới "mối đe dọa từ nước Đức" và cho rằng đó chỉ là trò tưởng tượng của phe Bảo Thủ hòng tước đoạt quyền của người nghèo đồng thời đẩy lùi làn sóng cải cách xã hội, nhưng "lực lượng lao động có tổ chức" đã nhận ra âm mưu kể trên và hiện đang cười vào mũi phe bảo thủ. Anh ta ủng hộ cắt giảm lực lượng hải quân Anh để tỏ thiện chí, rồi gởi tối hậu thư yêu cầu nước Đức có hành động tương tự nếu không muốn bị nện cho một trận nên thân. Anh ta cho rằng nếu không có phe Bảo Thủ thì Đức và Anh sẽ là bạn làm việc chung để xây dựng hòa bình và cải cách. Tôi nghĩ tới cuốn sổ bìa đen trong túi. Những kẻ đã giết Scudder mới thật là hết mình lo toan cho hòa bình với cải cách.

Dầu vậy trên khía cạnh khác tôi lại thích bài nói chuyện của anh ta mới lạ. Có thể thấy tính cách đàng hoàng của anh ta tỏa sáng đằng sau mớ rác rưởi kẻ khác đã mớm cho. Với lại nghe anh ta nói tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Tôi chẳng phải có tài hùng biện gì, nhưng tôi chắc mình khá hơn Sir Harry một ngàn phần trăm.

Tới lượt mình tôi cũng tỏ ra không tệ lắm. Tôi kể cho thính giả những gì tôi nhớ được về xứ Úc, trong bụng cầu trời sao cho đừng có người Úc nào hiện diện trong đám đông. Tôi nói về đảng Lao Động, về vấn đề di cư và vấn đề quân dịch. Hình như tôi quên không nhắc gì tới tự do mậu dịch, nhưng tôi có nói ở Úc không có ai theo phe Bảo Thủ, chỉ toàn theo đảng Lao Động với Cấp Tiến mà thôi. Nghe vậy mọi người reo hò, và họ chăm chú nghe tôi nói về tương lai vinh quang của đế quốc Anh nếu mọi người thật sự tham gia hành động.

Nhìn chung tôi nghĩ mình diễn thuyết khá thành công. Tuy vậy ông mục sư không thích tôi, và khi nói lời cảm ơn ông ta mô tả bài nói chuyện của Sir Harry là "đúng chuẩn mực chính khách", còn tôi thì chỉ "nói hay như nhân viên cổ động di cư chuyên nghiệp".

Khi chúng tôi ngồi lên xe đi về, Sir Harry vô cùng hớn hở vì đã làm xong chuyện. Anh ta nói với tôi:

- Ông nói hay tuyệt, ông Twisdon. Bây giờ ông về nhà với tôi đi. Ở đây tôi chỉ có một mình, nếu ông ở lại chơi một hai bữa thì tôi dẫn ông đi câu mấy chỗ này thích lắm.

Bữa tối nóng sốt khiến tôi hồi sức lại, rồi chúng tôi uống rum pha nước nóng trong căn phòng hút thuốc rộng rãi sáng sủa có lò sưởi cháy lách tách. Tôi nghĩ đã đến lúc bộc bạch mọi chuyện. Nhìn mắt của người thanh niên này tôi biết có thể tin cậy anh ta. Tôi nói:

- Sir Harry à, tôi có chuyện quan trọng muốn nói với anh. Anh là người tốt nên tôi cũng xin thẳng thắn với anh. Anh kiếm đâu ra mấy thứ rác rưởi độc hại đem lên nói hồi tối vậy?

Anh ta xịu mặt xuống, hỏi giọng rầu rĩ:

- Tệ dữ vậy sao? Đúng là nghe nó không thuyết phục mấy. Phần lớn tôi lấy trong Tạp Chí Tiến Bộ và mấy tập sách nhỏ tay đại diện hay gởi cho tôi. Nhưng mà ông cho rằng nước Đức sẽ gây chiến với chúng ta thật sao?

Tôi đáp:

- Sáu tuần nữa anh sẽ không cần ai trả lời câu hỏi đó. Nếu anh chịu chú ý nghe nửa tiếng đồng hồ thì tôi sẽ kể ra đây một câu chuyện.

Tôi còn nhớ như in căn phòng sáng đèn, trên tường treo đầu nai và mấy bức tranh xưa, Sir Harry dáng điệu bồn chồn đứng trên bệ đá trước lò sưởi, còn tôi ngả người trên ghế bành kể chuyện. Tôi cảm thấy như người đứng ngoài vừa nghe chính mình nói vừa cân nhắc mức độ đáng tin của câu chuyện mình đang kể. Đây là lần đầu tiên tôi nói toàn bộ sự thật đúng như tôi hiểu cho người khác nghe, và điều này giúp ích rất nhiều vì trong trí óc tôi đầu đuôi sự việc được sắp đặt lại rành mạch. Tôi không giấu một chi tiết nào. Anh ta được nghe tường tận về Scudder, người giao sữa, cuốn sổ tay cùng với những gì tôi đã làm từ khi tới Galloway. Câu chuyện nhanh chóng khiến anh ta phấn khích bước tới bước lui trên tấm thảm trước lò sưởi.

Tôi kết luận:

- Vậy nên anh đang chứa trong nhà kẻ đang bị truy nã vì vụ án mạng ở Portland Place. Bổn phận của anh là kêu cảnh sát tới giải tôi đi. Nhưng tôi sẽ chẳng đi được bao xa đâu. Dọc đường sẽ có tai nạn, rồi tôi sẽ bị lụi một dao vô sườn chỉ một giờ sau khi bị bắt. Tuy nhiên là công dân tuân thủ pháp luật anh phải làm đúng bổn phận. Có thể chừng tháng sau anh sẽ ân hận, nhưng ngay lúc này anh đâu biết được chuyện đó.

Cặp mắt sáng của anh ta nhìn tôi chăm chú. Anh ta hỏi:

- Ở Rhodesia ông làm nghề gì, ông Hannay?

Tôi đáp:

- Kỹ sư mỏ. Tôi kiếm tiền cách lương thiện, và tôi thích việc tôi làm.

- Nghề của ông không đến nỗi làm hao tổn thần kinh phải không?

Tôi bật cười:

- Thần kinh tôi còn cứng lắm, anh khỏi lo.

Tôi lấy con dao đi săn khỏi giá treo trên tường rồi biểu diễn cái trò xưa của người Mashona là ném dao lên rồi dùng môi chụp lại. Phải có gan thép mới làm được trò này.

Anh ta mỉm cười nhìn tôi:

- Tôi đâu cần ông phải chứng minh. Tôi có thể là thằng ngốc trên diễn đàn, nhưng tôi biết nhìn người. Ông không phải là kẻ sát nhân, cũng chẳng phải là kẻ khờ khạo. Tôi tin ông nói sự thật, tôi sẽ ủng hộ ông. Ông cần tôi giúp điều gì?

- Trước tiên tôi cần anh viết lá thư cho bác của anh. Tôi phải liên lạc với một quan chức chính phủ trước ngày mười lăm tháng sáu.

Anh ta bứt bứt ria và nói:

- Không ăn thua đâu. Đây là chuyện của bộ ngoại giao, bác tôi không dính dáng tới. Hơn nữa ông không đời nào thuyết phục được bác tôi đâu. Tôi có cách này hay hơn. Tôi sẽ viết thư cho chánh văn phòng bộ ngoại giao. Ông ta là cha đỡ đầu của tôi, rất sáng suốt. Ông muốn tôi viết gì?

Anh ta ngồi vô bàn viết theo lời tôi đọc. Ý chính trong thư là nếu có người tên Twisdon (tôi nghĩ mình nên giữ luôn cái tên này) tới tìm trước ngày mười lăm tháng sáu thì ông ta hãy tiếp đón tử tế. Twisdon sẽ nói hai chữ "Đá Đen" và huýt gió điệu nhạc Annie Laurie để ông ta nhận ra.

Sir Harry nói:

- Hay lắm, thật là đúng điệu. À, cha đỡ đầu của tôi là Sir Walter Bullivant sẽ nghỉ lễ Ngũ Tuần ở căn nhà miền quê của ổng gần Artinswell trên bờ sông Kennet. Thư xong rồi, còn chuyện gì nữa?

- Anh với tôi cao cũng xấp xỉ nhau. Anh cho tôi mượn bộ vét hàng tweed nào cũ nhất, chỉ cần màu vải ngược hẳn với màu bộ đồ tôi bỏ ra hồi chiều là được. Xong nhờ anh lấy bản đồ khu vực chung quanh ra giải thích địa hình ở đây cho tôi nghe. Cuối cùng, nếu cảnh sát tới đây kiếm tôi thì hãy chỉ họ coi chiếc xe lật dưới khe. Nếu bọn kia tới thì cứ nói sau buổi họp tối qua tôi đã đón tàu tốc hành đi về phía nam rồi.

Anh ta đáp ứng những gì tôi cần và hứa làm theo những gì tôi căn dặn. Tôi cạo sạch ria mép, tròng vô người bộ vét cũ mèm may bằng vải xám điểm chấm màu. Tấm bản đồ cho tôi biết sơ mình đang ở đâu, đường nào dẫn tới ga chính để đi về phía nam, và quanh đây chỗ nào hoang vắng nhất.

Hai giờ sáng anh ta đánh thức tôi đang ngủ trên chiếc ghế bành trong phòng hút thuốc. Tôi dụi mắt bước ra đêm tối đầy sao và được đưa cho chiếc xe đạp cũ tìm thấy trong kho.

Anh ta căn dặn:

- Tới chỗ rẽ đầu tiên thì quẹo phải lên dốc, chạy men theo cánh rừng tùng. Tới sáng thì ông đã ở xa trong núi rồi. Sau đó quăng chiếc xe đạp xuống đầm lầy rồi đi bộ vô trảng cỏ. Ông có thể ở cả tuần với mấy người chăn cừu trong đó mà vẫn an toàn như thể đang ở New Guinea.

Tôi gò lưng đạp xe trên mặt đường trải đá, vượt nhiều dốc cao cho tới khi bầu trời nhạt màu trước bình minh đang lên. Khi sương đã tan dưới nắng, tôi thấy mình đang ở giữa một vùng cỏ xanh rộng lớn, bốn phía là thung lũng nối nhau đổ dài tới chân trời màu lam phía xa. Ít ra ở đây nếu kẻ thù xuất hiện tôi sẽ nhìn thấy được chúng từ sớm.

No comments:

Post a Comment