Monday, April 16, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 10: Chạm trán

Bầu trời bình minh tháng sáu sắc hồng và xanh chen lẫn. Tôi đứng trong khách sạn Griffin ở Bradgate nhìn xuống mặt biển phẳng lặng trải ra tới chỗ con tàu mang đèn hiệu neo cạnh cồn Cock. Từ xa rẻo cồn cát nhìn nhỏ như chiếc phao báo nguy. Cách đó một đôi dặm về phía nam và neo gần bờ hơn là một tàu khu trục nhỏ. Scaife, tức viên chức dưới quyền Macgillivray, nguyên là dân hải quân nên có biết con tàu kể trên. Ông ta cho tôi hay tên chiếc tàu cùng với tên vị sĩ quan chỉ huy, và tôi gởi cho Sir Walter một bức điện tín.

Ăn sáng xong Scaife nhận từ tay người môi giới nhà cửa chiếc chìa khóa mở dãy cổng cầu thang ở xóm Ruff. Tôi đi với ông ta dọc bãi cát tới một chỗ khuất trong vách đá thì ngồi chờ trong lúc ông ta đếm số bậc của từng cầu thang. Tôi không muốn lộ diện, nhưng giờ này chung quanh vắng tanh, nhìn ra bãi biển chỉ thấy toàn hải âu.

Scaife mất hơn một tiếng mới xong việc, và tim tôi đập thình thịch khi nhìn thấy ông ta trở lại tay cầm mảnh giấy. Mọi sự đều tùy vào tôi đoán có đúng hay không.

Ông ta đọc to số bậc của mỗi cầu thang. "Ba mươi bốn, ba mươi lăm, ba mươi chín, bốn mươi hai, bốn mươi bảy" và "hai mươi mốt" ở chỗ vách đá thấp xuống. Tôi chỉ muốn nhảy lên la thật lớn.

Chúng tôi hối hả trở lại phố đánh điện cho Macgillivray. Tôi cần sáu người chia ra ở tại vài khách sạn khác nhau. Sau đó Scaife đi thám thính ngôi nhà ở đầu cầu thang có ba mươi chín bậc.

Ông ta trở về đem theo tin tức khiến tôi vừa yên tâm lại vừa thắc mắc. Theo lời người môi giới nhà cửa thì ngôi nhà có tên Trafalgar Lodge, chủ nhân là một quí ông đã lớn tuổi tên Appleton, trước hành nghề môi giới chứng khoán còn nay đã nghỉ hưu. Ông Appleton thường có mặt vào mùa hè, đang ở nhà gần cả tuần nay. Scaife không tìm hiểu được gì nhiều về ông ta, chỉ nghe nói ông ta là người tử tế, trả hóa đơn đúng hạn, và đóng góp rộng rãi cho việc từ thiện. Scaife giả làm người chào bán máy may tới gõ cửa sau thì thấy trong nhà chỉ có ba người giúp việc, một đầu bếp với hai cô làm việc nhà, cả ba đều giống như mọi người giúp việc khác trong các gia đình trung lưu nề nếp. Bà bếp không ưa tán gẫu nên mau chóng đóng sầm cửa lại, nhưng Scaife chắc chắn là bà ta không biết gì. Nhà kế bên đang xây dở, có thể dùng làm địa điểm quan sát, còn ngôi biệt thự mé bên kia để bảng cho thuê, mảnh vườn thiếu chăm sóc tỉa sửa.

Tôi mượn ống dòm của Scaife và đi dạo một vòng xóm Ruff trước giờ ăn trưa. Tôi đi ra xa phía sau những dãy biệt thự và tìm được chỗ quan sát tiện lợi ngay bên lề sân gôn. Từ đây nhìn ra thấy chỗ sân cỏ dọc đỉnh vách đá có ghế ngồi đặt cách khoảng và những vuông đất nhỏ trồng cây kiểng có rào bao bọc, bên trong mỗi ô rào là đầu cầu thang dẫn xuống bãi biển. Tôi nhìn thấy biệt thự Trafalgar Lodge rất rõ, tường gạch đỏ có hàng hiên bên ngoài, sau nhà có sân cỏ chơi tennis, phía trước là vườn hoa trồng cúc trắng và những bụi phong lữ còi cọc như thường thấy ở xứ biển. Trong sân có cột cờ treo lá cờ Anh ủ rủ dưới trời lặng gió.

Chợt có người ra khỏi nhà đi lững thững dọc theo đỉnh vách đá. Qua ống dòm tôi thấy một ông lão mặc quần trắng, áo khoác vải serge màu xanh da trời, đội nón rơm. Ông ta cầm theo cặp ống dòm với tờ báo, ngồi xuống chiếc ghế sắt và dở báo đọc. Thỉnh thoảng ông ta để báo xuống, cầm ống dòm nhìn ra biển. Ông ta nhìn chiếc tàu khu trục rất lâu. Tôi quan sát ông lão độ nửa giờ cho tới lúc ông ta đứng dậy vô nhà ăn trưa thì tôi cũng quay về khách sạn.

Tôi không cảm thấy chắc bụng cho lắm. Trong đầu tôi không hình dung hang ổ kẻ thù là một nơi bình thường tử tế như vầy. Ông lão có thể là nhà khảo cổ hói đầu tại khu trại kinh hoàng nọ, mà cũng có thể không. Nhìn ông ta cũng giống như mọi người lớn tuổi mặt mày mãn nguyện có mặt khắp các khu ngoại ô và nơi nghỉ mát, hoàn toàn vô hại.

Tuy nhiên sau bữa trưa tôi đang ngồi nghỉ trước hiên khách sạn thì bật dậy chú ý, vì tôi đã nhìn thấy điều mình đang hồi hộp chờ đợi. Từ phía nam một chiếc du thuyền tiến lại thả neo ngay chỗ đối diện với xóm Ruff. Con tàu to độ trăm rưỡi tấn, lá cờ trắng cho thấy nó là thành viên của câu lạc bộ Squadron. Scaife và tôi bèn xuống cảng mướn thuyền đi câu cá trọn buổi chiều.

Tôi có được buổi chiều ấm áp và bình yên. Hai chúng tôi câu được tổng cộng mười cân cá thu và cá pollack. Biển xanh lấp lánh làm tôi cảm thấy tinh thần lạc quan hơn. Trên chóp vách đá vôi trắng ở xóm Ruff tôi nhìn thấy những ngôi nhà xanh đỏ, nổi bật là cột cờ cao của biệt thự Trafalgar Lodge. Tới khoảng bốn giờ, sau khi đã câu thỏa thích tôi yêu cầu chủ thuyền lái quanh chiếc du thuyền đang nằm yên, dáng thanh tao tựa như con chim trắng đang sẵn sàng bay vụt đi. Scaife cho rằng nhìn hình dáng chiếc tàu thì biết nó được trang bị động cơ mạnh và có tốc độ cao.

Nhìn lên mũ của một thủy thủ đang hí húi chà bóng những bộ phận mạ đồng trên boong, tôi biết được con tàu tên là Ariadne. Tôi bắt chuyện với người thủy thủ, nghe anh ta trả lời bằng giọng Essex nhẹ nhàng. Một người khác đi tới và cho tôi biết mấy giờ bằng giọng Anh không lẫn vô đâu được. Người lái thuyền của chúng tôi bàn luận chuyện thời tiết với một trong hai thủy thủ, và trong ít phút thuyền chúng tôi áp sát mạn phải của mũi tàu.

Thình lình cả hai đều bỏ lơ chúng tôi và cắm đầu làm việc khi có một sĩ quan trên boong tàu bước lại gần. Anh ta còn trẻ, tướng sạch sẽ gọn gàng, lên tiếng hỏi chúng tôi câu cá có được không bằng thứ tiếng Anh rất sõi. Nhìn anh ta thì khỏi cần nghi ngờ gì, kiểu tóc hớt sát đầu cũng như hình dạng cổ áo và cà-vạt kia chắc chắn không phải xuất xứ từ nước Anh.

Tôi thấy yên tâm hơn, nhưng khi chúng tôi chèo thuyền về Bradgate nghi vấn trong tôi vẫn còn dai dẳng. Tôi nghĩ kẻ thù biết rõ mọi thông tin tôi có được là từ cuốn sổ của Scudder. Nếu bọn chúng nghi ngờ Scudder đã đánh hơi được địa điểm này chắc chắn chúng sẽ phải thay đổi kế hoạch, việc quan trọng tầm cỡ như vầy bọn chúng không thể liều được. Vấn đề là chúng biết được bao nhiêu về mức độ thông tin Scudder nắm được. Đêm qua tôi tỏ ra quả quyết về thói quen theo đúng kế hoạch của bọn Đức, nhưng nếu kẻ thù nghi ngờ tôi đang bám sát thì chúng chẳng dại gì mà không thay đổi phương án. Tôi tự hỏi lão già đêm qua có biết đã bị tôi nhận ra hay không. Tôi có cảm giác là không và dồn hết hy vọng vào đó. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ thấy lo lắng cho nhiệm vụ của mình như chiều hôm đó, trong khi lẽ ra phải vui mừng vì đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Tại khách sạn, Scaife giới thiệu tôi gặp viên sĩ quan chỉ huy chiếc tàu khu trục. Chúng tôi trao đổi mấy lời, rồi tôi quyết định đi quan sát biệt thự Trafalgar Lodge thêm một hai giờ.

Tôi tìm được chỗ xa hơn trên đồi, trong vườn một ngôi nhà trống. Từ đây tôi thấy nguyên sân tennis đang có hai người chơi. Người thứ nhất là ông già tôi đã thấy, người kia trẻ hơn, quanh bụng quấn chiếc khăn in hình huy hiệu của câu lạc bộ nào đó. Họ chơi rất hăng, kiểu như dân thành phố muốn vận động thật nhiều để được tháo mồ hôi. Nhìn họ chơi thật hồn nhiên, la hét cười đùa xong thì tạm ngưng để giải khát khi cô giúp việc bưng ra hai ly bia đựng trong khay. Tôi dụi mắt, bụng nghĩ trên đời này có ai điên rồ hơn mình hay không. Những kẻ ngồi máy bay và xe hơi săn đuổi tôi trên miền trảng cỏ hoang vu, và nhất là lão già chơi đồ cổ quỉ quái nọ toát ra vẻ hắc ám thấy rõ. Dễ thấy bọn chúng có liên quan tới lưỡi dao đã găm Scudder xuống sàn hay những âm mưu đen tối nhằm phá hoại hòa bình thế giới. Nhưng tại đây là hai công dân thật thà đang chơi trò thể thao vô hại, lát nữa đây sẽ ngồi ăn bữa tối với những câu chuyện tẻ nhạt về giá chứng khoán, tỉ số các trận đấu cricket hay những tin đồn vặt quanh xóm. Tôi giăng lưới để bắt diều hâu và chim ưng, hóa ra chỉ có hai con chim hoét mập lò dò vô bẫy.

Lát sau có người thứ ba tới, một thanh niên chạy xe đạp, bao gậy gôn đeo sau vai. Anh ta đi vòng ra sau nhà tới sân tennis và được hai người đang chơi chào đón ồn ào. Họ chọc ghẹo anh ta, lời lẽ đặc sệt kiểu Anh. Rồi ông mập dùng chiếc khăn lụa lau trán, tuyên bố phải đi tắm. Ông ta nói tôi nghe rõ từng chữ, chỉ có dân Anh chính cống mới nói năng kiểu đó:

- Bob à, chú phải đi ngâm mình trong nước nóng lâu lâu cho ốm bớt để đánh gôn lên tay chút. Ngày mai đấu chú sẽ chấp cháu mỗi lỗ một gậy!

Cả ba kéo vô nhà, còn tôi ở đó thấy mình sao mà ngu ngốc. Dứt khoát là tôi đã lầm. Cũng có thể mấy người này đang dàn cảnh, nhưng cho ai coi? Họ đâu thể nào biết tôi đang rình trong bụi đỗ quyên cách đó ba mươi yard. Tôi thật không tin được họ chỉ giả bộ đóng kịch mà không phải thực sự là ba người Anh rất bình thường, cư dân vùng ngoại ô, ham thể thao, có thể bị chê là chán ngắt nhưng hoàn toàn vô can.

Mặc dù vậy họ vẫn có ba người, một già, một tròn trịa, một gầy ốm tóc đen. Nhà của họ khớp với ghi chú của Scudder, và cách đó nửa dặm là một du thuyền trên có ít nhất một sĩ quan người Đức. Tôi nghĩ tới Karolides bị hạ sát và cả châu Âu rúng động, nghĩ tới những người tôi đã để lại ở Luân Đôn đang lo lắng ngóng đợi chuyện gì sắp xảy ra trong vòng vài giờ tới. Rõ ràng đâu đó đang có mưu đồ gây đại họa. Cho tới giờ phút này bọn Đá Đen đã thành công, và chỉ cần đêm nay nữa là chúng sẽ hoàn toàn chiến thắng.

Chỉ có một cách là cứ tiến tới như không hề có chút hoài nghi nào. Nếu tôi sai, thì ít ra tôi cũng sẽ can đảm đối mặt với sai lầm của mình. Cả đời tôi chưa lúc nào thấy miễn cưỡng như vậy. Tôi nghĩ thà bước vô hang ổ của bọn khủng bố tên nào tên nấy lăm lăm súng trong tay hay cầm súng đồ chơi đương đầu với sư tử tấn công, còn hơn phải bước vô mái nhà ấm cúng của ba người Anh vui nhộn kia mà bảo rằng họ đã bị lộ tẩy. Tôi sẽ bị cười biết chừng nào.

Đột nhiên tôi nhớ lại điều ông bạn Peter Pienaar đã kể cho nghe hồi còn ở Rhodesia. Tôi đã có lần nhắc tới Peter trong câu chuyện này. Ông ta là tay hướng đạo giỏi nhất mà tôi từng gặp. Trước khi chuyển qua làm ăn lương thiện, ông ta thường xuyên va chạm với pháp luật và bị truy nã gắt gao. Một lần bàn chuyện giả dạng ông ta có một lý thuyết khiến tôi có ấn tượng mạnh. Ông ta nói ngoại trừ những thứ tuyệt đối chắc chắn như vân tay thì hình dạng bên ngoài chẳng giúp nhận diện được bao nhiêu nếu kẻ trốn tránh biết cách. Ông ta cười chế nhạo những trò con nít như nhuộm tóc hay đeo râu giả. Theo Peter, điều quan trọng duy nhất là "môi trường".

Nếu một người lọt vô giữa khung cảnh hoàn toàn khác với khung cảnh anh ta bị bắt gặp lúc đầu, và quan trọng là nếu anh ta hòa vào môi trường mới, cư xử như thể chưa bao giờ rời khỏi môi trường đó, thì ngay cả những thám tử thượng thặng cũng bị lẫn lộn. Peter thường kể chuyện có lần ông ta mượn chiếc áo choàng đen vô nhà thờ cầm chung cuốn thánh ca với người đang truy lùng ông ta. Nếu như người kia đã từng thấy Peter ở chỗ đàng hoàng thì hẳn đã nhận ra ông ta rồi, nhưng người đó lúc trước chỉ thấy Peter cầm súng lục bắn bể bóng đèn trong quán rượu mà thôi.

Lần đầu suốt từ sáng tới giờ tôi mới cảm thấy được khích lệ thật sự nhờ nhớ lại lời của Peter. Ông ta là người khôn ngoan lão luyện, còn bọn người tôi đang săn đuổi cũng thuộc loại thượng thừa. Biết đâu bọn chúng đang dở những ngón Peter đã nói đến? Kẻ dại ráng thay đổi bề ngoài, còn người khôn giữ nguyên bề ngoài nhưng lại là con người khác.

Tôi lại nhớ tới cái qui tắc của Peter đã giúp tôi thoát chết lúc giả làm người phu vá đường: nếu anh đóng kịch thì phải tự thuyết phục mình chính là , như vậy mới nhập vai được lâu. Ván tennis lúc nãy có thể giải thích theo cách này. Bọn kia không cần phải đóng trò, chúng chỉ cần mở cửa bước vào một đời sống khác cũng tự nhiên như đời sống cũ. Nghe thì nhàm, nhưng theo lời Peter đó là bí quyết của những tên tội phạm lừng danh.

Đã gần tám giờ, tôi quay về khách sạn để dặn dò Scaife. Tôi bàn với ông ta việc sắp xếp toán hỗ trợ rồi ra ngoài đi dạo vì không còn bụng dạ nào để ăn tối. Tôi đi vòng khu sân gôn vắng ngắt tới đoạn vách đá phía bắc cách dãy biệt thự xa xa. Trên những con đường tươm tất mới mở tôi gặp nhiều người mặc quần vải trắng đi chơi tennis hoặc dạo biển về, một anh lính tuần duyên ở đài vô tuyến ra, và mấy người hóa trang thành con lừa hay anh hề đang trên đường về nhà. Trong bóng hoàng hôn xanh thẫm ngoài biển tôi thấy đèn bật sáng trên tàu Ariadne cũng như trên con tàu khu trục đậu nhích về phía nam. Bên kia cồn Cock có đèn lớn chiếu sáng lên những con tàu hơi nước đang tiến vào cửa sông Thames. Cảnh vật thanh bình và rất đỗi bình thường khiến tinh thần tôi mỗi lúc một dao động. Phải cương quyết lắm tôi mới cất bước tiến về biệt thự Trafalgar Lodge vào lúc chín giờ rưỡi.

Dọc đường tôi được khích lệ rất nhiều khi nhìn thấy con chó greyhound chạy lăng xăng sau gót chân một cô giữ trẻ. Tôi nhớ hồi ở Rhodesia tôi cũng có một con và có lần dẫn nó đi săn trong vùng đồi núi Pali. Hôm đó chúng tôi đi săn dê núi loại lông màu xám nâu, và chúng tôi đuổi theo một con nhưng rồi không thấy nó đâu nữa. Chó greyhound tìm mồi bằng mắt chớ không đánh hơi, và mắt tôi cũng khá tinh, nhưng con dê cứ như tan biến khỏi chỗ đó. Mãi sau tôi mới hiểu ra tại sao. Màu lông dê lẫn vào nền núi đá xám cũng giống như màu lông quạ chìm trong mây đen. Con dê không cần phải chạy đâu xa mà chỉ cần đứng yên rồi lẫn vào cảnh vật chung quanh.

Giữa lúc nhớ lại chuyện cũ tôi bỗng liên tưởng tới việc trước mắt. Bọn Đá Đen không cần phải chạy đâu xa mà chỉ lặng yên hòa lẫn vào khung cảnh chung quanh. Tôi đã truy đúng dấu vết của chúng, tôi ấn điều đó vô đầu và tự bắt mình không được quên. Peter Pienaar đã nói rất đúng.

Giờ này toán người của Scaife đã vào vị trí, nhưng tôi không nhìn thấy ai. Căn biệt thự chung quanh trống trải như một khu chợ, từ bên ngoài tha hồ quan sát. Nhà cách con đường chạy dọc đỉnh vách đá bằng một hàng rào cao ba feet, các cửa sổ tầng trệt đều mở, ánh đèn mờ cùng với tiếng nói chuyện rì rầm chỉ ra vị trí phòng ăn nơi mọi người đang chấm dứt bữa tối. Mọi thứ đều công khai đàng hoàng như ở hội chợ từ thiện. Tôi cảm thấy mình đang hành động như thằng ngốc, nhưng vẫn mở cổng bấm chuông.


Người từng ngang dọc những nơi xa xôi hiểm trở như tôi thường thấy thoải mái với hai hạng người tạm gọi là thượng lưu và hạ lưu. Chúng tôi hiểu họ, và họ cũng hiểu chúng tôi. Với những kẻ lang thang, người chăn bầy hay phu làm đường tôi cảm thấy hoàn toàn dễ chịu, và tôi cũng không có gì ngại ngần khi tiếp xúc với những người như Sir Walter và đồng sự của ông. Tôi không biết giải thích ra sao, nhưng đó là sự thật. Tuy nhiên chúng tôi không hiểu được lớp trung lưu sống đời sống sung túc mãn nguyện trong những khu biệt thự bên rìa thành phố. Chúng tôi không hiểu quan điểm và lề thói của họ, và chúng tôi ngại họ như ngại rắn độc. Khi cô giúp việc dáng thon gọn ra mở cửa, tôi gần như không nói ra lời.

Tôi hỏi ông Appleton và được mời vô nhà. Tôi dự định bước thẳng vô phòng ăn, hy vọng khi thấy tôi bất ngờ xuất hiện bọn họ sẽ giật mình nhận ra và nghi ngờ của tôi sẽ được xác nhận. Tuy nhiên gian ngoài ngăn nắp đã khiến tôi mất bình tĩnh. Gậy đánh gôn, vợt tennis, nón rơm và mũ lưỡi trai, găng tay xếp thành hàng, gậy chống để thành bó, tất cả đều là những vật dụng quen thuộc của hàng vạn gia đình tại nước Anh. Trên chiếc rương gỗ sồi cũ chất một chồng áo khoác và áo mưa xếp gọn gàng, chiếc đồng hồ tủ đứng tích tắc đếm giờ. Trên tường treo vài chiếc chảo làm ấm giường bằng đồng thau sáng bóng, một chiếc phong vũ biểu và một bức ảnh chụp Chiltern thắng cúp St. Leger. Nhà này nội thất trang hoàng kiểu chính thống không thua gì nhà thờ Anh Giáo. Khi cô giúp việc hỏi tên, tôi trả lời như cái máy và được mời vào phòng hút thuốc nằm bên tay phải.

Phòng hút thuốc lại còn khiến tôi nản hơn nữa. Tôi không kịp nhìn kỹ, nhưng phía trên kệ lò sưởi có mấy tấm ảnh đóng khung chụp những toán học sinh và sinh viên Anh. Tôi đã trấn tĩnh lại nên chỉ liếc sơ rồi chạy theo cô giúp việc. Nhưng đã quá trễ, cô ta đã vào phòng ăn và báo tên tôi cho chủ nhà khiến tôi lỡ mất cơ hội quan sát phản ứng của cả ba người.

Khi tôi bước vào phòng, ông già ngồi đầu bàn đứng dậy quay lại chào. Ông ta mặc đồ buổi tối, áo khoác ngắn thắt nơ đen. Người tôi đặt tên là ông mập cũng ăn mặc tương tự. Người thứ ba là anh chàng tóc đen mặc bộ vét vải serge màu xanh da trời, cổ áo trắng mịn, trên áo có huy hiệu của trường học hay câu lạc bộ nào đó.

Ông già tỏ ra hết sức lịch sự. Ông ta nói ngập ngừng:

- Ông Hannay phải không? Ông cần gặp tôi à? Hai người chờ một chút, tôi sẽ trở lại. Mời ông vô phòng hút thuốc nói chuyện tiện hơn.

Mặc dù không còn chút tự tin nào trong người tôi vẫn cương quyết không bỏ cuộc. Tôi kéo ghế ngồi xuống và nói:

- Tôi nghĩ chúng ta đã gặp nhau rồi, và ông cũng biết rõ việc của tôi là gì.

Đèn trong phòng chỉ mờ mờ, nhưng tôi nhìn mặt bọn họ thấy tất cả đều ngớ ra. Ông già nói:

- Cũng có thể. Nhưng trí nhớ tôi kém lắm, xin ông vui lòng cho biết mục đích tới đây vì tôi thật sự không được rõ.

Tôi nói mà trong lòng tự cảm thấy mình đang nói càn:

- Được rồi, tôi tới đây để nói cho biết các ông đã lộ tẩy. Tôi có lệnh bắt giữ cả ba người ở đây.

Ông già lộ vẻ kinh ngạc:

- Bắt giữ! Trời đất, tội gì mà bắt?

- Tội giết Franklin Scudder ở Luân Đôn vào ngày hai mươi ba tháng rồi.

Ông già sững người nói:

- Tôi chưa bao giờ nghe cái tên đó.

Một trong hai người kia lên tiếng:

- Đó là vụ án mạng ở Portland Place, tôi có coi báo. Trời ạ, ông điên hay sao? Ông ở đâu tới đây?

Tôi đáp:

- Ở sở cảnh sát Luân Đôn.

Một phút im phăng phắc. Ông già nhìn trân xuống đĩa, tay hết cầm hạt dẻ lên lại bỏ xuống bàn, rõ là thái độ bối rối hoang mang của người vô can thình lình bị cáo buộc. Sau đó ông mập lên tiếng, giọng hơi lắp bắp như thể vừa nói vừa tìm chữ:

- Chú cứ bình tĩnh. Đây chỉ là chuyện lầm lẫn nực cười nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Giải quyết việc này cũng dễ thôi. Chúng ta có thể chứng minh mình vô can kia mà. Cháu có bằng chứng ngày 23 tháng năm đang ở nước ngoài, Bob thì làm việc ở nhà dưỡng lão. Hôm đó chú có mặt ở Luân Đôn, nhưng chú hãy giải thích rõ hơn chú làm gì ở đó đi.

- Ừ cháu nói đúng đó Percy! Dĩ nhiên là dễ rồi. Ngày hăm ba là sau hôm đám cưới của Agatha. Để coi chú làm gì. Buổi sáng chú từ Woking lên, ăn trưa ở câu lạc bộ với Charlie Symons. Rồi sau đó... à phải rồi, sau đó chú ăn tối với nhà Fishmonger. Chú nhớ là vì món đồ uống làm chú khó chịu, sáng hôm sau thấy bệnh trong người. Hừ, bữa đó chú còn đem hộp xì gà này về mà.

Ông ta chỉ một vật trên bàn và cười to nhưng gượng gạo. Chàng thanh niên lễ phép nói với tôi:

- Thưa ông, tôi nghĩ có sự lầm lẫn ở đây, rồi ông sẽ thấy. Chúng tôi là công dân tốt, chúng tôi muốn giúp cơ quan pháp luật chứ không muốn nhìn thấy cảnh sát phạm sai lầm. Có phải không chú?

Ông già giọng nghe đã bình tĩnh lại, trả lời:

- Dĩ nhiên rồi Bob. Chúng ta sẽ hết sức giúp đỡ nhà chức trách. Nhưng... việc này thật là quá lắm, chú không tin được!

Ông mập nói:

- Cô Nellie chắc sẽ cười dữ lắm. Cô ấy vẫn nói chú sẽ chết vì buồn chán vì chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra với chú. Còn bây giờ thì đã có, lại là chuyện hấp dẫn ly kỳ mới ghê chứ.

Nói tới đây ông ta cười rộ. Ông già đáp:

- Ừ đúng đó. Cứ nghĩ mà coi! Chuyện này đem kể ở câu lạc bộ là có lý lắm. Ông Hannay à, lẽ ra nghe ông nói tôi phải tức giận mới đúng, tại vì tôi vô tội mà. Nhưng tôi thấy buồn cười quá! Ông làm tôi hết hồn, nhưng thôi không sao. Mặt mày ông nghiêm trọng quá làm tôi cứ tưởng mình bị mộng du rồi đi giết người lúc nào không hay chứ!

Tất cả đều rất thật, không thể nào đóng kịch được. Tôi cảm thấy trong lòng xụi lơ, chỉ muốn xin lỗi và rút lui. Nhưng tôi tự nhủ sẽ không bỏ cuộc cho dù cả nước có cười tôi đi nữa. Ánh đèn cầy trên bàn ăn không sáng rõ, và để che đậy vẻ bối rối tôi bật dậy bước lại cửa phòng bật điện lên. Cả ba người chớp chớp mắt vì chói trong lúc tôi đứng quan sát vẻ mặt của họ.

Tôi chẳng kết luận được gì. Một người già hói đầu, một người mập tròn, người còn lại ốm, tóc đen. Không có gì để phủ nhận hoặc xác nhận họ là ba tên đã săn đuổi tôi ở Scotland. Tôi đã nhìn vào mắt hai tên lúc giả làm phu sửa đường và tên thứ ba lúc giả làm Ned Ainslee, nhưng tôi không cắt nghĩa được tại sao với trí nhớ dai và óc quan sát nhạy bén của mình tôi vẫn không thể dứt khoát hẳn một bề. Mấy người này có vẻ thật sự như họ nói lắm, nhưng tôi lại không dám chắc chắn.

Trong căn phòng ăn sáng sủa vui mắt, tường chưng tranh khắc và bức ảnh một bà cụ đeo yếm treo phía trên lò sưởi, tôi không tìm thấy gì có thể liên hệ ba người này với bọn tội phạm liều mạng trên vùng trảng cỏ hoang sơ. Bên cạnh tôi có hộp đựng thuốc lá bằng bạc, chữ khắc trên hộp cho biết đó là phần thưởng thi đánh gôn trao tặng ông Percival Appleton, thành viên câu lạc bộ St. Bede. Tôi phải tâm niệm lời khuyên của Peter Pienaar mới khỏi chạy vụt ra đường cho xong.

Ông già lễ phép hỏi:

- Ông quan sát kỹ vậy đã yên tâm chưa, thưa ông?

Tôi không biết nói sao. Ông ta tiếp:

- Tôi mong ông sẽ làm theo đúng trách nhiệm mà ngưng cái vụ kỳ khôi này lại. Tôi không phải than phiền gì, nhưng người đàng hoàng thì cũng thấy khó chịu.

Tôi lắc đầu. Chàng thanh niên nói:

- Trời ơi, tôi thấy hơi quá đáng rồi đó!

Ông mập hỏi:

- Ông có định đưa chúng tôi về đồn hay không? Có lẽ đó là cách hay nhất để giải quyết chuyện này, nhưng tôi nghĩ chắc ông không muốn làm việc với cảnh sát địa phương. Tôi có quyền yêu cầu được coi lệnh bắt, nhưng tôi không muốn bắt bẻ ông làm gì vì ông chỉ thi hành nhiệm vụ của mình mà thôi. Tuy nhiên phải công nhận vụ này nó bất tiện kinh khủng. Bây giờ ông tính sao?

Chỉ có hai cách, hoặc là kêu người vô nhà bắt giữ họ, hoặc nhận mình sai và rút lui. Tôi cảm thấy bị nơi này mê hoặc bằng vẻ hiền lành vô can quá hiển nhiên của nó, bằng nét bối rối và lo lắng rất đỗi thật thà trên gương mặt của cả ba người. Tôi rên thầm trong bụng "Ôi Peter Pienaar" mà thiếu điều tự mắng mình ngu dại rồi xin lỗi tất cả.

Ông mập tiếp:

- Trong khi chờ đợi tôi đề nghị chơi một ván bài bridge để ông Hannay có thì giờ suy nghĩ. Bữa nay chúng ta có đủ bốn người rồi. Thưa ông có chơi bài không?

Tôi nhận lời như thể được mời chơi một ván ở câu lạc bộ. Tôi đã bị toàn bộ sự việc mê hoặc. Chúng tôi vô phòng hút thuốc, tại đó một bàn đánh bài đã bày ra, và tôi được mời thuốc với rượu. Như trong giấc mơ tôi ngồi vào bàn. Cửa sổ đang mở, ánh trăng vàng như ngọn triều lớn tràn ngập mặt biển và vách đá. Trong đầu tôi cũng đầy những ý nghĩ kỳ quặc. Cả ba đã bình tĩnh lại và nói chuyện rôm rả, dùng nhiều tiếng lóng như thường nghe tại các câu lạc bộ đánh gôn. Riêng tôi lúc đó nhíu mày, mắt đảo tới đảo lui nhìn chắc lạ lắm.

Tôi đánh chung phe với chàng thanh niên tóc đen. Thường ngày tôi chơi bài bridge cũng khá, nhưng đêm đó tôi đánh dở tệ. Họ biết đã làm tôi bối rối nên càng thư giãn hơn. Tôi vẫn quan sát gương mặt họ nhưng chẳng thấy gì mới. Không phải bề ngoài của họ khác bọn kia, mà họ là những người khác. Tôi bám víu vào lời của Peter Pienaar một cách tuyệt vọng.


Thình lình tôi bừng tỉnh.

Ông già hạ tay xuống để châm xì gà. Nhưng ông ta không cầm điếu thuốc lên liền mà ngồi dựa ngửa ra một lát, ngón tay gõ gõ lên đầu gối.

Chính là cử chỉ tôi vẫn nhớ rõ khi đứng trước mặt lão ta trong khu trại giữa vùng trảng cỏ, ngay trước họng súng của hai tên giúp việc.

Chỉ một chi tiết nhỏ thoáng qua giây lát, và khả năng cả ngàn chọi một là tôi sẽ không nhìn thấy vì bận dán mắt vào những lá bài. Nhưng tôi đã nhìn thấy, và trong thoáng chốc mọi việc đều trở nên rõ ràng. Đầu óc tôi như có bức màn tối được vén lên, tôi nhận ra cả ba tên một cách trọn vẹn và tuyệt đối chắc chắn.

Đồng hồ phía trên lò sưởi điểm mười giờ.

Trước mắt tôi ba gương mặt đã thay đổi và bí mật của chúng lộ ra. Gã thanh niên chính là tên giết người. Tôi nhìn thấy vẻ tàn độc trên khuôn mặt mới đây tôi còn cho là vui tính. Tôi dám chắc con dao của hắn đã găm Scudder xuống sàn nhà. Chính những kẻ giống như hắn đã nã đạn vô người Karolides.

Nét mặt của tên mập như nhòa ra rồi thành hình trở lại. Hắn không có gương mặt nào mà chỉ có cả trăm chiếc mặt nạ tùy ý chọn lựa. Hắn phải là loại diễn viên thượng thặng. Có lẽ hắn là Lord Alloa vào đêm qua mà cũng có thể không, điều đó không quan trọng. Tôi tự hỏi có phải chính hắn đã truy ra Scudder và để lại tấm danh thiếp hay không. Scudder có nói hắn bị ngọng, và tôi có thể tưởng tượng ra chỉ cần giả thêm tật nói ngọng là hắn có thể khiến nạn nhân khiếp hãi như thế nào.

Nhưng lão già mới là đầu sỏ trong đám. Lão là kẻ đầy mưu trí, lạnh lùng, tỉnh táo, tính toán, nhẫn tâm như một cái búa máy. Lúc này mắt tôi đã mở ra, tôi không hiểu khi trước mình thấy lão ta phúc hậu ở chỗ nào. Cằm lão cứng như thép tôi, đôi mắt sáng như mắt loài chim dữ, không có tính người. Tôi vẫn tiếp tục chơi bài mà nỗi căm ghét mỗi lúc một dâng cao trong lòng muốn nghẹn thở, đến nỗi khi tên chơi cùng phe lên tiếng tôi không trả lời được. Tôi không thể ngồi với bọn chúng được lâu nữa.

Lão già nói:

- Ôi Bob! Nhìn đồng hồ kìa. Cháu lo đi đón xe lửa là vừa.

Lão quay qua tôi nói thêm, giọng nghe giả tạo không chịu được:

- Tối nay Bob phải lên Luân Đôn.

Tôi nhìn đồng hồ thấy đã gần mười rưỡi. Tôi nói:

- Tôi rất tiếc, nhưng Bob phải hoãn chuyến đi lại.

Gã thanh niên nói:

- Sao chán quá vậy! Tôi cứ tưởng ông dẹp chuyện này rồi chứ. Tôi phải đi có chuyện rất cần. Để tôi cho ông địa chỉ, hay ông cần giữ bất cứ cái gì làm bảo đảm thì tôi sẽ đưa.

Tôi đáp:

- Không được, anh phải ở lại.

Tôi nghĩ nghe vậy hẳn bọn chúng đã hiểu ra không còn vớt vát gì được nữa. Chỉ có thuyết phục cho tôi tin mình đã sai lầm thì chúng mới có cơ hội thoát, nhưng chúng đã không làm được. Tuy nhiên lão già lại nói:

- Tôi sẽ nộp tiền tại ngoại cho cháu tôi, vậy được chứ thưa ông Hannay?

Giọng nói lịch sự dễ nghe của lão đã có chút sạn ở trong, hay là tôi chỉ tưởng tượng ra? Chắc tôi không lầm, vì tôi nhìn thấy mí mắt lão kéo xuống như mắt diều hâu, hình ảnh này gắn liền với cảm giác sợ hãi đã in sâu vào tâm trí, làm sao tôi quên được.

Tôi bèn huýt còi.


Ngay lập tức đèn đóm trong nhà tắt phụt. Tôi bị hai cánh tay cứng cáp ôm ngang hông, ngáng chặt chỗ miệng túi dắt súng. Có tiếng kêu to:

- Schnell, Franz! Das Boot, das Boot!

Dưới ánh trăng tôi nhìn thấy hai người trong toán hỗ trợ phóng ra sân cỏ. Gã thanh niên vọt tới nhảy qua cửa sổ, vượt luôn hàng rào mà không ai kịp ngăn lại. Tôi vật lộn với lão già trong lúc căn phòng chen đầy bóng người. Tôi có thấy tên mập bị tóm cổ, nhưng lúc đó mắt tôi chỉ chú ý việc đang xảy ra bên ngoài. Gã Franz đang phóng qua đường tới chỗ rào lối cầu thang dẫn xuống bãi biển. Có người rượt theo nhưng coi bộ không ăn thua vì cổng rào đã khóa lại sau lưng hắn. Hai tay siết họng lão già, tôi đứng nhìn chăm ra ngoài trong khoảng thời gian vừa đủ để một người xuống hết dãy bậc thang tới bãi biển.

Thình lình tên tù nhân của tôi vùng ra nhào tới vách tường. Tôi nghe một tiếng cạch như thể có ai kéo một thứ cần điều khiển, rồi có tiếng ì ầm xa xa dưới mặt đất. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy một đám bụi đá vôi cuộn lên từ chỗ cầu thang.

Có người bật đèn lên trở lại. Lão già mắt rừng rực nhìn tôi kêu to:

- Nó thoát rồi, tụi mày không theo kịp nó đâu... Nó đi mất rồi... Chiến thắng rồi... Der schwartze Stein ist in der Siegeskrone.

Trong đôi mắt lão già không chỉ là vẻ đắc thắng thường tình. Đôi mắt đó lúc trước mí kéo xuống che như mắt loài chim săn mồi, thì bây giờ chúng cũng rực lên niềm kiêu hãnh của loài chim ưng. Bên trong tôi nhìn thấy ngọn lửa cuồng tín cháy mãnh liệt, và lần đầu tiên tôi mới nhận ra mình đã phải đương đầu với kẻ thù khủng khiếp là dường nào. Người này không phải là kẻ gián điệp tầm thường. Cách thức của lão tuy bẩn thỉu gian ác, nhưng lão là kẻ yêu nước.

Đợi chiếc còng đã khóa lại trên cổ tay lão già tôi mới nói với lão lời cuối:

- Tôi mong Franz cũng đừng quá buồn vì "chiến thắng" của anh ta. Xin nói ông hay là chúng tôi đã chiếm giữ tàu Ariadne cả tiếng đồng hồ rồi.


Như mọi người đều biết, bảy tuần sau đó chiến tranh nổ ra. Tôi gia nhập quân đội ngay tuần đầu tiên và được phong thẳng hàm đại úy nhờ đã có kinh nghiệm trong chiến tranh Matabele. Nhưng tôi nghĩ tôi đã hoàn thành công tác quan trọng nhất của mình từ trước khi khoác lên người bộ quân phục.

HẾT

No comments:

Post a Comment