Saturday, April 14, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 5: Người phu làm đường

Tôi ngồi ngay trên đỉnh đèo quan sát cảnh vật chung quanh.

Sau lưng tôi là con đường dốc len lỏi giữa khe núi đầu nguồn của một con sông lớn. Trước mặt là một vạt đất bằng rộng chừng một dặm, cỏ mọc thành bụi lởm chởm chen giữa những hố lầy, tiếp đó con đường đổ dốc xuống thung lũng rồi dẫn vào dải đồng bằng trải ngút tầm mắt. Bên trái và bên phải là những ngọn đồi cỏ xanh mọc phẳng phiu trên sườn dốc thoai thoải, nhưng xa hơn về phía nam - tức bên trái - là bóng dáng cụm núi cao phủ đầy thạch thảo, chính là vùng núi đồi san sát tôi đã lựa trên bản đồ làm nơi ẩn náu cho mình. Tôi đang ở ngay trên đỉnh của một vùng cao nguyên rộng lớn và có thể nhìn thấy bất cứ vật gì chuyển động trong vòng mấy dặm. Trên cánh đồng cỏ từ chỗ tôi ngồi nhìn lui xuống nửa dặm có một túp nhà đang tỏa khói, đó là dấu hiệu có người duy nhất. Ngoài ra chỉ có tiếng chim choi choi gọi bầy và tiếng suối chảy róc rách.

Lúc đó khoảng bảy giờ sáng, tôi còn đang ngồi thì lại nghe tiếng ầm ì đáng ngại trên không. Tôi mới nhận ra vị trí quan sát tiện lợi của mình thực tế có thể trở thành cái bẫy. Ở nơi trống trải cỏ mọc sát đất như vầy ngay cả chim chích còn không có chỗ trốn.

Tôi ngồi sững hết phương cựa quậy, trong khi tiếng ầm ì càng lúc càng lớn. Rồi tôi thấy chiếc phi cơ xuất hiện từ phía đông. Nó bay cao nhưng rồi hạ xuống mấy trăm feet đảo quanh trái núi, vòng lượn mỗi lúc càng hẹp lại như diều hâu sửa soạn vồ mồi. Bây giờ nó sà rất thấp, và kẻ quan sát đã phát hiện ra tôi. Tôi có thể nhìn thấy một trong hai tên trên máy bay đang chĩa ống dòm về phía mình.

Thình lình chiếc máy bay vụt lên cao theo đường xoắn ốc rồi biến nhanh trở lại về hướng đông cho tới khi chỉ còn là một chấm nhỏ trên nền trời xanh.

Tôi suy nghĩ muốn nát óc. Kẻ thù đã biết tôi đang ở đâu, bước kế tiếp chúng sẽ tìm cách vây tôi lại. Tôi không biết lực lượng của chúng ra sao, nhưng chắc chắn là đủ để tôi bị tóm gọn. Bọn trên máy bay đã nhìn thấy chiếc xe đạp nên chúng sẽ cho rằng tôi định thoát thân bằng con đường trước mặt. Nếu vậy may ra tôi sẽ thoát bằng cách rẽ trái hoặc phải để đi sâu vô trảng. Tôi dắt chiếc xe đạp khỏi mép đường chừng trăm yard rồi quăng nó vô một hố lầy phủ rêu, chiếc xe chìm giữa đám rong và cây mao lương nước. Tôi leo lên một gò đất nhìn xuống con đường đất trắng chạy xuyên qua hai thung lũng ở cả hai phía núi, nhưng cảnh vật hoàn toàn yên lặng.

Như đã nói ở đây rất trơ trọi, chuột còn không có chỗ trốn. Khi mặt trời lên cao, cảnh vật ngập trong nắng mới dìu dịu gợi nhớ những sớm nắng ấm thoảng mùi hương cỏ vùng thảo nguyên Nam Phi. Vào lúc khác chắc hẳn tôi đã yêu thích nơi này, nhưng giờ đây tôi chỉ cảm thấy ngạt thở. Đất trảng trống trải mà tôi thấy như vách ngục, khí trời miền núi cao tôi lại thấy như hơi thở chốn lao tù.

Tôi thảy đồng tiền, sấp trái ngửa phải. Đồng tiền ngửa, tôi quay phải đi về hướng bắc. Đi được một đoạn ngắn tôi tới rìa đỉnh đèo, nhìn xuống thấy nguyên đoạn đường dài độ mười dặm và trên đường dường như có chiếc xe đang chạy từ tít đằng xa lại. Phía dưới đỉnh đèo là dãy đồi trọc nhấp nhô đổ xuống những thung lũng phủ cây rừng. Sống lâu năm trên thảo nguyên nên mắt tôi tinh như diều hâu, nhìn thấy được ở khoảng cách bình thường phải dùng ống dòm. Phía dưới triền dốc chừng hai dặm, một hàng người đang dàn ngang tiến lên như thể xua chim trong bụi bay lên làm mồi trong cuộc săn bắn.

Tôi thụp người xuống để bóng không in lên nền trời. Lối đó không thể đi được, tôi phải thử phía đồi cheo leo hơn về hướng nam. Chiếc xe tôi để ý đã tới gần hơn, nhưng vẫn còn lâu và phải vượt nhiều dốc cao mới tới chỗ tôi đang đứng. Tôi khom người chạy nhanh, chỉ dám thẳng lưng lên khi tới chỗ trũng, vừa chạy vừa đảo mắt nhìn đỉnh đồi trước mặt. Có phải tôi tưởng tượng, hay thực sự có mấy bóng người di chuyển trong thung lũng bên kia suối?

Khi bị vây tứ bề giữa một mảnh đất thì cách thoát thân duy nhất là ở lại ngay trong mảnh đất đó và làm sao để kẻ thù lục soát mà không tìm thấy mình. Nói thì hay, nhưng tôi làm cách nào để không bị phát hiện giữa chỗ trơ trọi như tấm khăn bàn này? Tôi sẵn lòng nhảy xuống bùn lầy ngập tới cổ, trầm mình dưới mặt nước hay leo lên ngọn cây cao nhất. Nhưng ở đây không có lấy một khúc cây nhỏ, hố lầy chỉ bằng vũng bùn, con suối chỉ là dòng nước hẹp chảy rỉ rả. Không có gì ngoại trừ những bụi thạch thảo ngắn ngủn, sườn đồi trống và con đường đất trắng.



Rồi tại một khúc đường ngoặt chật hẹp, tôi nhìn thấy người phu làm đường bên cạnh đống đá. Ông ta vừa tới nơi, uể oải vung cán búa. Ông ta nhìn tôi bằng cặp mắt lờ đờ, miệng ngáp rồi nói như cho cả thế giới nghe:

- Phải chi hồi đó tôi đừng bỏ nghề chăn súc vật! Hồi đó muốn làm gì thì làm. Còn bây giờ tôi là tên nô lệ của chính phủ, bị cột vô cái đường này, mắt thì xót, còn lưng thì đau.

Ông ta cầm búa đập một tảng đá, thả cái búa xuống chửi đổng rồi đưa tay ôm hai bên màng tang kêu to:

- Trời ơi thương tôi với! Cái đầu tôi đau muốn bể làm hai!

Nhìn ông ta xơ xác, tướng cao cỡ tôi nhưng lưng còng, cằm tua tủa râu cả tuần chưa cạo, mắt đeo cặp kính to gọng sừng. Ông ta lại kêu lên:

- Tôi không làm nổi! Ông thanh tra muốn báo cáo thì cứ việc. Tôi về ngủ đây.

Tôi hỏi có chuyện gì mặc dù nhìn ông ta là đoán ra ngay.

- Thì tôi đâu đã tỉnh rượu. Tối qua con Merran nhà tôi lấy chồng, mọi người nhảy múa trong trại tới bốn giờ sáng. Tôi với mấy ông kia thì cứ ngồi uống lai rai nên giờ mới ra nông nổi. Phải chi tôi đừng ngó tới bình rượu thì đỡ biết mấy!

Tôi đồng ý là ông ta cần đi ngủ. Ông ta rên rỉ:

- Nói thì dễ, chớ hôm qua tôi được tấm bưu thiếp nói bữa nay ông thanh tra mới sẽ ghé lại đây. Ông ta tới mà không thấy tôi hay thấy tôi say thì đằng nào tôi cũng tiêu. Hay là tôi về nhà nằm rồi khai bịnh, nhưng chắc chẳng ăn thua tại vì họ biết quá cái bịnh của tôi mà.

Chợt nảy ra ý hay tôi bèn hỏi:

- Ông thanh tra mới có biết mặt ông không?

- Không biết đâu. Ông ta mới làm được một tuần thôi. Lái cái xe nhỏ xíu, nghe nói đụng gì cũng hỏi.

- Nhà ông đâu?

Ông ta đưa ngón tay run run chỉ căn nhà bên suối. Tôi nói:

- Ông cứ về nhà nghỉ cho khỏe. Để tôi làm thế ông một lúc cho ông thanh tra nhìn thấy.

Ông ta nhìn sững tôi, rồi khi hiểu ra trên gương mặt ông ta nở nụ cười ngây ngô của kẻ say. Ông ta kêu lên:

- Anh tốt quá đi! Chuyện này dễ lắm. Tôi đã đập xong đống đá này rồi, anh không cần phải đập nữa. Cứ lấy cái xe cút kít lại hầm đá đằng kia chở thêm đống nữa. Tôi tên là Alexander Turnbull, làm đường được bảy năm rồi, trước tôi chăn cừu hai mươi năm ở bờ sông Leithen Water. Bạn bè thường kêu tôi là Ecky, có khi là Specky tại tôi mắt yếu phải đeo kính. Anh chỉ cần nói chuyện lễ phép với ông thanh tra, thưa gởi đàng hoàng thì ông ta sẽ bằng lòng thôi. Tới trưa tôi sẽ trở lại nhé.

Tôi mượn ông ta cặp kính với cái mũ cũ dơ bẩn. Tôi cởi áo vét, áo chẽn và tháo cổ áo sơ mi đưa ông ta cầm về nhà. Tôi cũng mượn luôn cái tẩu đất sét cụt ngủn và hôi hám cho đủ bộ. Ông ta chỉ qua công việc đơn giản cho tôi rồi lững thững đi về. Có thể ông ta muốn ngủ là chính, nhưng tôi nghi dưới đáy chai ở nhà chắc cũng còn tí rượu. Tôi thầm khấn cho ông ta kịp lên giường trùm mền trước khi kẻ thù của tôi xuất hiện.

Rồi tôi khởi sự hóa trang cho hợp vai. Tôi banh cổ chiếc sơ-mi ca-rô trắng xanh rẻ tiền dân cày thường mặc, để lộ chiếc gáy nâu rám như thợ hàn nồi dạo. Tôi xăn tay áo phô bày cánh tay thợ rèn sạm nắng đầy sẹo. Giày với ống quần tôi xoa bụi cho trắng, xong tôi cuộn ống quần lên và dùng dây cột lại ngay phía dưới đầu gối. Tới lượt trên mặt, tôi vốc bụi quệt một lằn quanh cổ làm dấu nơi ông Turnbull chấm dứt việc rửa ráy mỗi chủ nhật. Tôi cũng xoa bụi lên cặp má rám nắng và cho một ít vô mắt chà mạnh cho giống mắt đỏ nhòe vì xót của phu làm đường.

Mấy miếng sandwich Sir Harry cho đã đi theo chiếc áo vét, nhưng bữa trưa của người phu làm đường gói trong chiếc khăn đỏ là của tôi. Tôi ăn ngon lành mấy lát bánh dày với pho-mát và uống một ít trà nguội. Gói trong khăn còn có tờ báo địa phương cột dây lại và đề tên "Ông Turnbull", hẳn là để ông ta đọc giải khuây lúc nghỉ trưa. Tôi cột chiếc khăn lại và để tờ báo bên cạnh cho thật dễ thấy.

Tôi không hài lòng đôi giày cho lắm, nhưng cứ đá vô đống đá hồi lâu tôi cũng làm cho lớp da nhăn và xỉn màu lại giống giày của phu làm đường. Tôi cắn rồi cào móng tay cho thành nứt nẻ lởm chởm. Kẻ thù tinh nhạy của tôi sẽ không bỏ qua chi tiết nhỏ nào. Tôi bứt đứt một dây giày rồi nối lại cách vụng về, dây bên kia tôi nới lỏng để chiếc vớ xám dồn cục lại trên phần cổ chân. Trên đường vẫn vắng tanh. Chiếc xe tôi nhìn thấy nửa giờ trước chắc đã quay về nhà.

Cải trang xong xuôi tôi đẩy xe cút kít tới hầm đá cách đó chừng một trăm yard và bắt đầu chuyển đá tới chất bên đường.

Tôi nhớ tới một người dẫn đường già ở Rhodesia đã trải qua nhiều chuyện lạ lùng thời trai trẻ. Có lần ông ta nói với tôi bí quyết để đóng một vai thành công là phải để đầu óc suy nghĩ theo đúng như vai mình đóng. Ông ta nói không thể nào giữ vai được lâu nếu không tự thuyết phục mình chính là nó. Tôi bèn ngưng hết mọi ý nghĩ khác và chỉ tập trung vô việc vá đường. Tôi nghĩ tới túp nhà màu trắng đằng xa như là nhà tôi. Tôi hồi tưởng những năm dài chăn cừu bên bờ sông Leithen Water, trìu mến nhớ lại những đêm ngủ trên chiếc giường có mái che với chai whisky rẻ tiền. Con đường đất trắng dài vẫn tịnh không một bóng người.

Thỉnh thoảng một con cừu tách khỏi bãi thạch thảo tới dòm tôi chăm chú. Một con cò hạ cánh xuống vũng nước dưới suối tìm cá, chẳng ngó ngàng gì tới tôi như thể tôi chỉ là cột mốc cắm trên đường. Tôi tiếp tục đẩy xe đá, bước chân lê nặng như phu làm đường chính hiệu. Người tôi nhanh chóng nóng lên, bụi trên mặt vón thành cục dính chặt vào da. Tôi bắt đầu đếm giờ đi qua chờ trời tối để chấm dứt công việc cực nhọc và đơn điệu của ông Turnbull.

Thình lình một giọng nói đanh gọn vang lên từ phía đường. Tôi ngước lên thấy chiếc xe Ford nhỏ hai chỗ ngồi và một thanh niên mặt mày tròn trịa, đội mũ nồi. Anh ta hỏi:

- Ông là Alexander Turnbull phải không? Tôi là thanh tra công lộ mới của quận. Ông ở Blackhopefoot, có nhiệm vụ coi sóc đoạn từ Laidlaw-byres tới The Riggs? Được lắm! Đường khá tốt, thiết kế không đến nỗi nào. Mặt đường hơi mềm cách đây chừng một dặm, với lại hai bên lề cần dọn cho sạch. Ông nhớ lo việc đó. Chào ông. Lần sau gặp thì ông đã biết tôi là ai rồi đó.

Rõ ràng bộ vó của tôi đã qua mặt được ông thanh tra oai hùm. Tôi tiếp tục làm việc, tới gần trưa thì có vài người qua lại cũng đỡ buồn. Có chiếc xe bán bánh leo dốc tới gần, tôi bèn mua gói bánh gừng nhét túi quần phòng khi khẩn cấp. Một người chăn cừu lùa bầy đi ngang hỏi to khiến tôi hơi chột dạ:

- Specky đâu?

Tôi đáp:

- Đau bụng nằm ở nhà.

Ông ta im lặng đi tiếp.

Gần đứng trưa một chiếc xe to êm ái thả dốc lướt ngang rồi dừng lại cách tôi độ trăm yard. Ba người trong xe bước xuống làm như để duỗi chân, thong thả bước lại gần.

Hai tên tôi đã nhìn thấy từ cửa sổ quán trọ ở Galloway: một tên ốm, mặt mày sắc sảo, tóc đen, còn tên kia vẻ dễ dãi, lúc nào cũng mỉm cười. Tên thứ ba nhìn giống dân quê, có thể là thầy thú y hoặc nông gia cỡ nhỏ. Hắn mặc kiểu quần thụng đầu gối nhưng cắt may vụng về, cặp mắt sáng đầy vẻ cảnh giác. Hắn lên tiếng:

- Chào ông. Việc của ông coi bộ dễ làm, khỏe quá hả!

Lúc chúng tới gần tôi không nhìn lên, còn bây giờ chúng đã bắt chuyện nên tôi chầm chậm ưỡn thẳng người như bị đau lưng. Tôi phun mạnh bãi nước miếng đúng kiểu dân Scotland ít học, nhìn chằm chặp vào chúng trước khi trả lời. Tôi đang phải đối diện với ba cặp mắt tinh tường không bỏ sót điều gì.

Tôi nói rườm rà:

- Có việc kém hơn mà cũng có việc tốt hơn. Tôi thích việc như của mấy ông, ngồi suốt ngày trên ghế nệm. Mấy ông chạy xe phá hư hết đường của tôi chớ ai. Đúng lý ra phải bắt mấy ông sửa lại những gì mấy ông đã làm hư thì mới công bình.

Tên mắt sáng nhìn tờ báo nằm bên cạnh gói đồ của ông Turnbull. Hắn nói:

- Ông cũng có báo mới đọc đó chứ!

Tôi lạnh nhạt liếc qua tờ báo rồi đáp:

- Mới cái nỗi gì. Báo đó ra thứ bảy tuần trước, tới tay tôi thì đã trễ mất sáu ngày.

Hắm lượm tờ báo lên, liếc nhìn dòng ngày tháng trên cùng rồi để xuống lại. Một trong hai tên kia nhìn xuống chân tôi nói mấy lời tiếng Đức cho tên đang nói chuyện với tôi để ý. Tên này tiếp:

- Ông biết lựa giày đẹp đó. Giày này không phải thợ nhà quê đóng đâu.

Tôi đáp không ngần ngừ:

- Ai nói thợ nhà quê hồi nào? Giày Luân Đôn đó. Có ông năm ngoái đi săn ở đây cho tôi. Ông ta tên gì quên rồi?

Tôi gãi đầu ráng nhớ lại. Tên mập hay cười cười lại nói bằng tiếng Đức:

- Đi tiếp đi thôi. Thằng cha này không có gì đâu.

Chúng còn hỏi câu chót:

- Ông có thấy ai qua đây hồi sáng sớm không? Đi xe đạp hay đi bộ cũng được.

Suýt nữa tôi lọt bẫy, định kể có người vội vàng đạp xe đi ngang lúc mờ sáng. May sao tôi còn đủ sáng suốt để nhìn thấy mối nguy đang giăng ra. Tôi giả bộ suy nghĩ thật kỹ rồi mới nói:

- Bữa nay tôi không có dậy sớm. Tại tối qua con gái tôi lấy chồng, tụi tôi thức khuya lắm. Tới bảy giờ sáng tôi mới mở cửa thì không thấy ai ngoài đường. Từ lúc tôi ra đây tới giờ chỉ có ông bán bánh với thằng Ruchill lùa bầy đi ngang, rồi tới mấy ông đây.

Một tên cho tôi điếu xì gà, tôi cầm lấy thận trọng đưa lên ngửi rồi nhét trong túm khăn đỏ. Chúng lên xe, ba phút sau thì mất dạng .

Tim tôi đập mạnh vì nhẹ nhõm, nhưng tôi vẫn tiếp tục đẩy xe đá. May mà tôi làm vậy, vì mười phút sau chiếc xe kia quay lại và một tên vẫy tay chào tôi. Bọn này quả là không để chút gì sơ hở.

Tôi thanh toán hết phần bánh mì với pho-mát của ông Turnbull, rồi chẳng bao lâu sau đã đổ xong đống đá. Bước kế tiếp làm tôi hơi khó nghĩ. Tôi không thể đóng vai sửa đường lâu được. Trời thương nên đã giữ ông Turnbull trong nhà cho tới lúc này, nhưng nếu ông ta xuất hiện thì sẽ kẹt cho tôi lắm. Tôi biết kẻ thù vẫn còn vây chặt thung lũng, và bất cứ hướng nào tôi đi ra cũng sẽ có kẻ chặn lại hỏi. Nhưng tôi nhất định phải thoát ra. Bị rình rập căng thẳng kiểu này thì không thần kinh nào có thể chịu được quá một ngày.

Tôi giữ nguyên vị trí cho tới năm giờ chiều. Lúc đó tôi đã quyết định trời tối sẽ đi xuống nhà ông Turnbull và đánh liều vượt núi trong bóng đêm. Thình lình trên đường một chiếc xe mới toanh xuất hiện và chạy chậm lại cách tôi độ một hai mét. Có cơn gió nổi lên, mà người lái xe lại muốn châm thuốc hút.

Chiếc xe loại mui trần cỡ lớn, băng ghế sau chất đầy hành lý đủ loại. Thật tình cờ lạ lùng, tôi lại quen người lái xe. Anh ta tên Marmaduke Jopley, người lẽ ra không nên có trên đời làm gì. Anh ta sống bằng nghề môi giới quan hệ, làm ăn bằng cách nịnh bợ những cậu cả giàu có trong các gia đình quí tộc cũng như các mệnh phụ già mà dại dột. "Marmie" thường xuyên lui tới các vũ hội, giải polo và các dinh thự miền quê. Anh ta thích nghe ngóng những chuyện tai tiếng, và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để được tới gần nhà quí tộc hay kẻ triệu phú. Lúc mới tới Luân Đôn có người giới thiệu tôi liên hệ công việc với văn phòng của anh ta, và anh ta tử tế mời tôi tới câu lạc bộ của mình. Bữa đó anh ta luôn miệng khoe khoang về những bà quận chúa quen biết khiến cuối cùng tôi phải phát ngấy. Sau đó tôi có hỏi một người sao chưa ai cho anh ta một đá thì được trả lời là đàn ông Anh xưa nay vẫn nể nang phái yếu.

Tôi lại gặp anh ta ở đây, diện thật kẻng, lái xe láng cóng, rõ ràng đang trên đường viếng thăm ai đó trong số bạn bè giàu sang của anh ta. Một ý nghĩ điên rồ thình lình bốc lên, thoắt cái tôi đã nhảy lên ghế sau nắm chặt vai anh ta. Tôi nói giọng ngân nga:

- Chào anh Jopley. Gặp anh bạn ở đây tôi mừng lắm đó!

Anh ta sợ chết khiếp, há mồm nhìn tôi trân trân. Anh ta thều thào:

- Anh là thằng quỉ nào vậy?

Tôi đáp:

- Tôi là Hannay ở Rhodesia về, nhớ không?

Giọng anh ta như muốn sặc:

- Trời đất, tên giết người!

- Đúng rồi đó. Coi chừng tôi sẽ làm thêm vụ nữa nếu anh không chịu nghe lời. Đưa áo choàng đây cho tôi, luôn cái mũ nữa.

Anh ta kinh hoàng làm theo như cái máy. Tôi khoác tấm áo choàng sang trọng của anh ta lên che chiếc quần dơ bẩn và chiếc áo màu mè rẻ tiền tôi đang mặc. Cổ áo nhàu nát của tôi cũng bị khuất dưới cổ áo choàng gài nút cao. Tôi chụp mũ của anh ta lên đầu, tịch thu luôn đôi bao tay cho đủ bộ. Trong phút chốc tên phu làm đường bụi bặm biến thành một ông chạy xe bảnh bao hạng nhất xứ Scotland. Tôi ấn cái mũ tồi tàn không thể tả của ông Turnbull lên đầu Jopley và biểu anh ta giữ yên nó ở đó.

Sau đó tôi quay đầu xe, cũng phải loay hoay một lúc mới xong. Tôi tính trở lại đoạn đường anh ta đã chạy qua, vì kẻ nào canh đường ắt đã biết cái xe và sẽ để nó đi qua mà không để ý, thêm nữa tướng mạo của Marmie thì không giống tôi chút nào. Tôi nói:

- Anh ngoan thì ngồi cho yên. Tôi không muốn hại anh đâu. Tôi chỉ mượn cái xe của anh chừng một hai giờ. Nhưng nếu anh dở trò ra với tôi, nhất là nếu anh mở miệng ra thì tôi thề sẽ vặn cổ anh. Rõ chưa?

Tôi vui thích lái chiếc xe mới chạy băng trên đường trong ánh chiều tà. Chúng tôi đổ dốc xuống thung lũng, chạy hết tám dặm qua vài ngôi làng, nhìn thấy nhiều kẻ dáng dấp khả nghi xớ rớ bên vệ đường. Bọn chúng chính là tai mắt của kẻ thù, nếu tôi ăn mặc cách khác hoặc đi với người khác thì đã bị chặn lại hỏi han lôi thôi rồi. Nhưng giờ đây chúng chỉ nhìn tôi không chút quan tâm. Một tên còn đưa tay lên mũ chào, và tôi tử tế chào lại.

Lúc trời tối hẳn tôi rẽ vô một thung lũng ngách theo tôi nhớ trên bản đồ sẽ dẫn tới một góc núi non vắng vẻ. Chẳng mấy chốc chúng tôi bỏ lại làng mạc sau lưng, rồi đến trang trại và những túp nhà đơn độc cũng khuất dạng. Trước mặt chúng tôi trải ra vùng đất trảng vắng tanh, bóng đêm đang xóa nốt ánh hoàng hôn còn sót lại trong những ao lầy. Tôi ngừng lại, cẩn thận quay đầu xe và trả hết đồ cho Jopley. Tôi nói:

- Cảm ơn một ngàn lần! Anh có ích hơn tôi tưởng nhiều. Giờ thì đi kêu cảnh sát đi.

Tôi ngồi trên sườn đồi nhìn theo ánh đèn sau xe nhỏ dần và nghĩ về mớ tội lỗi mình đã phạm qua. Tôi không phải là kẻ sát nhân như mọi người vẫn tin, nhưng tôi đã trở thành tên nói láo bẩn thỉu, kẻ mạo danh trơ tráo, kiêm luôn kẻ đạo tặc ưa thích những loại xe đắt tiền.

No comments:

Post a Comment