Friday, April 13, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 3: Quán trọ

Tôi im lặng gần suốt chuyến đi lên phía bắc ngày hôm đó. Trời tháng năm nắng đẹp, táo gai nở hoa trên từng bờ rào, và tôi tự hỏi mình lúc còn tự do sao cứ ru rú ở Luân Đôn mà lại không đi hưởng cảnh đồng quê tuyệt trần như vầy. Tôi không dám ra mặt ở toa ăn, nhưng tới Leeds tôi mua một giỏ đồ ăn trưa và chia với bà mập. Tôi cũng mua báo buổi sáng đọc thấy tin mở màn giải đua ngựa Derby, mùa cricket bắt đầu, vài mẩu tin ngắn về việc tình hình Balkans đang lắng xuống, và tin một hạm đội Anh đang trên đường tới Kiel.

Đọc báo xong tôi lấy cuốn sổ bìa đen của Scudder ra coi. Trong sổ ghi chép đầy, hầu hết là những con số nhưng lâu lâu cũng có một cái tên. Chẳng hạn tôi thấy những từ như "Hofgaard", "Luneville" và "Avocado" xuất hiện khá nhiều lần, đặc biệt là từ "Pavia".

Tôi biết chắc Scudder làm việc gì cũng có lý do đàng hoàng, nên tôi tin trong sổ có chứa mật mã. Tôi vẫn quan tâm tới đề tài mật mã và cũng đã từng hoạt động trong lĩnh vực này với tư cách sĩ quan quân báo ở vịnh Delagoa hồi chiến tranh Boer. Đầu óc tôi có khiếu về những chuyện như đánh cờ hay giải đố, và tôi vẫn tự cho mình là tay khá giỏi về giải mật mã. Ghi chép trong sổ nhìn giống loại mã dùng số thay cho chữ cái, nhưng loại đó ai thông minh một chút thì chỉ mất một hai giờ là giải ra, và tôi nghĩ Scudder hẳn không xài thứ đơn giản như vậy. Tôi tập trung chú ý vào những từ tìm thấy trong sổ, bởi vì xuất phát từ một từ khóa có thể tạo ra một bộ mật mã bằng số khá hóc búa.

Loay hoay hết mấy tiếng thử hết từ này tới từ khác vẫn không xong, tôi nhắm mắt ngủ. Lúc tôi tỉnh dậy thì đã tới Dumfries, vừa kịp lúc đổi qua tàu chậm đi Galloway. Trên sân ga tôi thấy một kẻ điệu bộ khả nghi, nhưng hắn không buồn liếc nhìn tôi lấy một lần, và khi thấy bóng mình trong gương tôi hiểu được vì sao. Gương mặt sạm nắng, bộ vét cũ bằng vải len thô và dáng hơi khom khiến tôi chìm lỉm trong đám nông dân vùng đất đồi đang chen vô những toa tàu hạng bét.

Tôi ngồi chung toa với độ nửa tá nông dân phì phèo thuốc lá sợi nhồi tẩu đất sét. Họ vừa ở chợ phiên hàng tuần về và nói toàn chuyện giá cả. Họ kể chuyện cừu đẻ tốt xấu ra sao trên nguồn sông Cairn, sông Deuch và nhiều sông hồ khác tôi chưa nghe tên bao giờ. Nhiều người đã no say, mùi whisky nồng nặc, và không ai để ý tới tôi. Con tàu ì ạch tiến vào một vùng nhiều thung lũng nhỏ phủ cây rừng, rồi tới một vùng trảng cỏ mênh mông lấp lánh nước hồ với những đỉnh núi màu lam xa xa về phía bắc.

Tới độ năm giờ chiều toa tàu chỉ còn mình tôi, là điều tôi vẫn chờ đợi. Tôi xuống ga kế tiếp, một nơi nhỏ bé tôi không để ý tên, nằm giữa một vùng đất lầy. Nơi đây làm tôi nhớ tới những ga xép đìu hiu ở vùng Karroo. Người trưởng ga già đang làm vườn, ông ta vác xẻng tới đoàn tàu nhận một gói hàng rồi trở lại với mấy luống khoai tây. Tôi đưa vé cho một đứa nhỏ chừng mười tuổi rồi bước ra con đường đất trắng chạy ngoằn ngoèo giữa trảng cỏ nâu.

Buổi chạng vạng ngày mùa xuân hôm đó đẹp tuyệt trần, từng ngọn đồi tím nổi rõ trên nền trời như những viên ngọc tía mài sắc nét. Không khí hăng hăng mùi đầm lầy nhưng trong lành như ở giữa đại dương khiến tôi phấn chấn lạ thường. Tôi thấy mình như cậu bé được nghỉ học đi dã ngoại mùa xuân, chớ không phải người đàn ông ba mươi bảy tuổi đang bị truy nã. Cảm giác của tôi trở lại như ngày trước mỗi lần lên đường đi vào vùng đồng cỏ bao la trên cao nguyên Nam Phi vào một sớm đầy sương. Tôi vừa nhẹ bước trên đường vừa huýt gió, đầu óc không suy tính gì. Tôi chỉ muốn cứ bước đi giữa bầu không khí đượm mùi chân chất của vùng đồi yên lành nơi đây, vì cứ mỗi dặm đường bỏ lại đằng sau tôi lại thấy vui vẻ hơn với chính mình.

Tôi chặt một nhánh cây phỉ ven đường làm gậy rồi rẽ vô lối mòn chạy dọc một thung lũng có suối đổ ầm ầm phía dưới. Tôi áng chừng mình đã nhanh chân hơn những kẻ truy đuổi khá xa, thành thử đêm nay tôi muốn làm gì tùy ý. Đã mấy giờ qua tôi chưa ăn gì nên thấy đói cồn cào khi tới trước một căn nhà của người chăn cừu nép trong góc rừng cạnh thác nước. Một phụ nữ mặt rám nắng đứng bên cửa chào tôi với vẻ tử tế rụt rè của dân vùng trảng. Khi tôi hỏi xin trọ một đêm, bà trả lời có giường trống trên gác rồi mau mắn dọn cho tôi một bữa no nê gồm có giăm bông, trứng, bánh scone cùng với loại sữa đặc và ngọt.

Lúc trời sẫm tối người chồng trở về nhà. Ông ta ốm nhưng rất cao, mỗi bước đi dài bằng ba bước người thường. Đúng kiểu kín đáo của người quen sống nơi vắng vẻ, họ không tò mò hỏi chuyện gì tôi, nhưng tôi biết họ cho tôi là lái buôn nên cũng cố tình làm bộ theo. Tôi nói nhiều về chuyện bò, còn người chủ nhà lại không biết gì mấy, nhưng qua ông ta tôi học được nhiều thứ về các chợ trong vùng, và tôi nhớ kỹ phòng sau này có cần tới. Đến mười giờ tôi bắt đầu gà gật trên ghế, và chiếc giường trống trên gác đón lấy một kẻ mệt nhoài ngủ li bì cho tới lúc gia chủ bắt đầu ngày mới vào năm giờ sáng.

Tôi muốn trả tiền nhưng họ không chịu nhận. Sáu giờ sáng tôi đã điểm tâm xong xuôi và sải bước về hướng nam. Ý định của tôi là trở lại đường tàu lửa sau chỗ tôi xuống hôm qua một hai ga, xong đi tàu quay ngược trở lại. Tôi thấy cách đó là chắc ăn nhất, vì lẽ tự nhiên cảnh sát sẽ cho rằng tôi càng lúc càng rời xa Luân Đôn để nhắm tới một cảng nào đó ở phía tây. Tôi nghĩ mình đã đi trước cảnh sát một bước khá dài, vì tôi tính họ cũng phải mất mấy giờ điều tra mới gán tội cho tôi, rồi lại thêm mấy giờ nữa để xác định danh tánh kẻ đã lên tàu ở ga Saint Pancras.

Vẫn tiết trời mùa xuân tươi đẹp khiến lòng tôi không có chỗ để lo âu. Thật tình cả mấy tháng qua tôi chưa bao giờ thấy vui như lúc này. Giữa đất trảng mênh mông con đường băng qua một rặng đồi dài, men sườn ngọn núi cao tối qua người chăn cừu cho biết tên là Cairnsmore of Fleet. Chim mỏ nhát và chim choi choi ríu rít làm tổ khắp nơi, còn trên những bãi bồi xanh mượt dọc bờ suối thấy lốm đốm từng bầy cừu non. Bao nhiêu uể oải tụ lại trong xương cốt tôi mấy tháng qua vụt tan biến, và tôi bước hăm hở như đứa trẻ lên bốn. Lát sau tôi tới một gò đất rộng đổ xuống khoảng trũng của một dòng sông nhỏ, và cách một dặm trước mặt tôi nhìn thấy khói một đoàn tàu bay lên giữa đám thạch thảo.

Lúc tới gần tôi mới thấy nhà ga này thật thích hợp cho mục đích của mình. Đất trảng chung quanh nhô cao chỉ chừa đủ chỗ cho đường ray chính, một nhánh ray phụ, phòng chờ, văn phòng, nhà trưởng ga với một khoảnh sân nhỏ xíu trồng phúc bồn tử và cẩm chướng nhung. Không thấy đường lớn nào dẫn tới ga, và cách đó nửa dặm có một hồ nhỏ sóng nước vỗ nhẹ lên bãi đá xám khiến khung cảnh thêm phần cô quạnh. Tôi đứng sâu trong đám thạch thảo chờ nhìn thấy khói của một đoàn tàu chạy về hướng đông mới tiến lại phòng vé nhỏ tí mua một vé đi Dumfries.

Trong toa chỉ có một người chăn cừu già với con chó có cặp mắt đục và bộ dạng dữ dằn khiến tôi phải dè chừng. Ông lão đang ngủ, trên nệm ghế bên cạnh có tờ Người Scotland mới ra buổi sáng. Tôi chộp lấy tờ báo, bụng nghĩ thế nào cũng có tin tức về chính mình.

Tờ báo dành hai cột viết về "Án mạng ở Portland Place", là tên họ đặt cho sự việc. Cậu Paddock giúp việc cho tôi đã hô hoán và kêu cảnh sát bắt giữ người giao sữa. Tội nghiệp anh chàng phải trả giá hơi đắt cho đồng sovereign tôi đưa. Nhưng về phía tôi chừng đó tiền là quá rẻ vì anh ta đã giữ cho cảnh sát bận rộn gần hết ngày. Trong phần tin giờ chót tôi đọc được diễn tiến mới nhất của câu chuyện. Người giao sữa đã được thả, và cảnh sát tin rằng thủ phạm không được nêu tên đã thoát khỏi Luân Đôn qua đường tàu lửa lên miền bắc. Mẩu tin nhắc qua tên tôi với tư cách chủ căn chung cư nơi xảy ra án mạng. Tôi nghi cảnh sát đã vụng về muốn thêm khúc đó vô để tôi tưởng mình không bị nghi ngờ.

Trong báo chỉ có vậy, không có tin gì về chính trị quốc tế, về thủ tướng Karolides hay những điều Scudder quan tâm. Tôi để tờ báo xuống, nhìn ra cửa sổ thấy đã tới ga tôi xuống hồi hôm qua. Ông trưởng ga đào khoai tây coi bộ đã hết thong thả. Chuyến tàu đi về phía tây đang đứng tránh một bên chờ chúng tôi qua, và có ba người xuống nói chuyện với ông ta. Tôi đoán họ là cảnh sát địa phương được cảnh sát thủ đô huy động đã truy theo tôi tới cái ga xép này. Tôi ngồi khuất trong tối chăm chú quan sát. Một người cầm sổ hí hoáy ghi chép, ông trưởng ga đào khoai bắt đầu cau có, nhưng đứa nhỏ cầm vé của tôi hôm qua thì nói liến thoắng. Cả toán người quay đầu nhìn ra phía con đường đất trắng dẫn vào trảng. Tôi thầm mong họ sẽ tới đó mà dò theo dấu vết của tôi.

Ông lão cùng toa thức giấc lúc tàu của chúng tôi tiến khỏi ga nói trên. Ông ta nhìn tôi bằng cặp mắt lơ mơ, đá mạnh vào con chó và hỏi mình đang ở đâu. Rõ ràng ông ta đang say mèm. Ông ta nói vẻ hối tiếc cay đắng:

- Cữ rượu làm chi cho ra nông nỗi này!

Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và nói tôi tưởng ông ta là người kiên quyết lắm mới phải. Ông ta đáp giọng thách thức:

- Kiên quyết chớ sao không! Tôi đã hứa thôi rượu hồi lễ thánh Martin năm ngoái, vậy là từ đó tới giờ không đụng tới một giọt whisky nào. Ngay như đêm giao thừa thèm lắm mà tôi cũng nhứt định không uống là không!

Ông ta co chân lên ghế, vùi mái đầu bờm xờm vào mấy tấm nệm ghế rồi rên rỉ:

- Cuối cùng thì kết quả như vầy đây, đầu nóng sốt như hỏa ngục còn mắt mũi cứ toán loạn lên.

Tôi hỏi:

- Tại sao vậy?

- Tại tôi uống một thứ họ kêu là brandy. Tôi đã nói cữ rượu mà, thành ra whisky là tôi không đụng tới, nhưng cả ngày hôm nay tôi cứ nhấp cái thứ brandy đó, chắc cũng nửa tháng nữa mới qua cơn này!

Giọng ông ta nhòe ra thành lẩm bẩm, rồi ông ta ngủ say trở lại.

Nguyên kế hoạch của tôi là đợi thêm vài ga nữa thì xuống, nhưng tôi có được cơ hội hay hơn khi con tàu bất ngờ dừng lại ở cuối vòm cống bắt qua một con sông chảy xiết nước nâu đục. Tôi nhìn ra ngoài thấy cửa sổ các toa tàu đều đóng và chung quanh không có lấy bóng người. Tôi bèn mở cửa nhanh chóng thả mình xuống đám cây phỉ ven đường rầy.

Mọi việc lẽ ra êm xuôi nếu không có con chó mắc dịch của ông lão chăn cừu. Tưởng tôi lấy đồ của chủ nó trốn đi, con chó liền sủa ầm lên và chút nữa là cắn trúng ống quần tôi. Ông lão choàng dậy đứng trước cửa hô hoán lên là tôi tự tử. Tôi bò qua đám cây dày đặc ra tới bờ sông cách đoàn tàu chừng trăm thước, rồi trốn trong bụi quay đầu nhìn lại. Tôi thấy người gác tàu và một toán hành khách tụm lại ngay cửa toa đang mở, trố mắt nhìn về phía tôi đang nấp. Giả sử tôi có rời đoàn tàu với trống kèn inh ỏi thì cũng sẽ gây chú ý cỡ này là cùng.

May sao ông lão chăn cừu say rượu lại đánh lạc chú ý của mọi người. Để giữ chó ông ta đã dùng sợi thừng một đầu cột chó còn đầu kia cột vô thắt lưng, và bây giờ cả chủ lẫn chó thình lình nhào khỏi toa xe, va đầu xuống đường rầy rồi lăn cù theo triền dốc về phía bờ sông. Lúc nhảy xuống cứu chắc có người bị con chó táp, vì tôi nghe có tiếng chửi to. Vậy là họ quên bẵng tôi mất, và sau khi bò đi được độ phần tư dặm tôi đánh bạo quay lại nhìn thì thấy đoàn tàu đang từ từ khuất dạng sau chỗ đất xẻ.

Tôi đang ở giữa một vùng trảng hình bán nguyệt, dòng sông nâu là đường kính và dãy núi phía bắc là vòng cung. Không một bóng dáng hay tiếng người nào, chỉ có tiếng nước róc rách và tiếng chim mỏ nhát kêu bất tận. Mặc dù vậy, cái lạ là lần đầu tiên tôi cảm thấy nỗi hãi hùng của kẻ bị săn đuổi. Tôi không nói tới cảnh sát, mà là bọn người biết rằng tôi có được bí mật của Scudder và do vậy không dám để cho tôi sống. Tôi dám chắc bọn chúng khi đuổi theo tôi sẽ ráo riết và tinh nhạy nhiều lần hơn cảnh sát Anh, và nếu bắt được tôi chúng sẽ không bao giờ nương tay.

Tôi ngoái nhìn lại, nhưng quang cảnh không có gì bất thường. Ánh nắng phản chiếu loé lên trên đường rầy sắt và trên những tảng đá ướt dưới lòng suối, cảnh trí bình yên không đâu bằng. Dầu vậy tôi vẫn vụt chạy. Khom mình men theo những khe nước trong trũng, tôi cắm đầu chạy cho tới khi mồ hôi tươm xuống mờ cả mắt. Nỗi sợ hãi vẫn thôi thúc tận khi tôi tới được triền núi, hổn hển nằm vật xuống một gờ đất cao ngay bên trên đầu nguồn của con sông nâu đục.

Từ chỗ tôi trên cao nhìn xuống, nguyên vùng đất trảng trải rộng đến tận đường xe lửa và xa hơn về phía nam, nơi những cánh đồng xanh tươi thế chỗ cho loài thạch thảo cằn cỗi. Không thấy bóng dáng nào di động, mặc dù mắt tôi tinh như diều hâu. Tôi đưa mắt nhìn qua phía đông bên kia núi, tại đây quang cảnh khác hẳn với những thung lũng cạn phủ cây xanh, rừng tùng, và những lằn bụi mờ chỗ có đường lớn đi qua. Cuối cùng tôi ngước mắt lên bầu trời tháng năm trong xanh, và thình lình nghe tim đập mạnh.

Từ chân trời phía nam một phi cơ đang bay lên cao. Linh tính cho tôi biết chắc nó đang bay tìm tôi, và đó không phải là máy bay của cảnh sát. Tôi nấp dưới hố trong đám thạch thảo nhìn lên suốt một hai giờ. Chiếc phi cơ bay rà trên những ngọn đồi rồi đảo quanh thung lũng tôi chạy băng qua lúc nãy. Sau đó dường như đổi ý nó bay lên cao và quành lại hướng nam.

Tôi thật không thích cái màn do thám trên không này, và bắt đầu xét lại quyết định chọn chỗ đồng trống như vầy làm nơi ẩn mình. Nếu kẻ thù của tôi bay trên trời thì vùng đồi thạch thảo ở đây không cách nào che chở tôi được, và tôi phải tìm chỗ khác để trốn. Tôi thấy yên lòng hơn khi nhìn qua miền làng quê xanh tươi bên kia núi, ở đó có rừng và những căn nhà tường đá.

Vào khoảng sáu giờ tối tôi ra khỏi vùng trảng cỏ, đặt chân lên con đường đất trắng quanh co dọc thung lũng hẹp của một dòng suối êm ả. Dần dà đất bằng trở nên dốc, thung lũng trở thành cao nguyên, rồi tôi tới một con đèo gần bên có ngôi nhà đơn độc tỏa khói trong trời chiều nhá nhem. Con đường băng qua một cây cầu, và tôi nhìn thấy một thanh niên đứng dựa thành cầu.

Anh ta đang rít thuốc trong tẩu đất sét cán dài, mắt đeo kính chăm chú nhìn xuống dòng nước. Tay trái anh ta cầm cuốn sách nhỏ, ngón tay kẹp giữa sách làm dấu. Anh ta chậm rãi ngâm:

- "Như khi loài quái thú gryphon
Băng qua vùng hoang dã
Sải cánh rộng trên rừng sâu núi cả
Săn đuổi người hùng Arimaspi."

Nghe tiếng giày tôi nện giữa cầu anh ta giật mình quay lại, gương mặt trẻ rám nắng nhìn dễ mến. Anh ta nói giọng trịnh trọng:

- Xin chào ông. Buổi tối đẹp như vầy dạo bộ là nhất!

Mùi khói than bùn lẫn mùi thịt quay hấp dẫn từ phía ngôi nhà thoảng lại. Tôi hỏi:

- Có phải quán trọ đằng kia không?

Anh ta lễ phép trả lời:

- Xin sẵn sàng phục vụ ông. Dạ, tôi là chủ quán và tôi mong ông sẽ ở lại đêm nay, vì nói thật cả tuần nay tôi chẳng có khách nào.

Tôi thót mình ngồi lên thành cầu và nhồi thuốc vô tẩu. Đánh hơi được đồng minh, tôi nói:

- Anh còn trẻ quá mà làm chủ quán trọ sao?

- Dạ, ba tôi mất năm ngoái để lại cho tôi cái quán này. Tôi ở đây với bà nội. Công việc buồn tẻ lắm, tôi cũng không muốn đâu.

- Chớ anh muốn làm gì?

Anh ta đỏ mặt nói:

- Tôi muốn viết sách.

Tôi thốt lên:

- Vậy anh còn đòi gì nữa? Làm chủ quán trọ mà viết truyện là nhứt rồi còn gì!

Anh ta hăng lên nói:

- Đó là hồi xưa kìa, chớ thời buổi này không có đâu. Hồi xưa còn có khách hành hương, người hát rong, bọn cướp đường với những chuyến xe ngựa chở thư rong ruổi ngoài đường. Chớ bây giờ chỉ có xe hơi chở mấy bà mập ghé ăn trưa, mùa xuân thì có đôi ba người câu cá, với tháng tám thì có khách đi săn thôi. Chẳng có gì hấp dẫn để viết. Tôi muốn đi ra cho thấy cuộc đời, đi khắp thế giới, viết nên những chuyện như của Kipling và Conrad. Nhưng cho tới nay tôi chỉ in được mấy bài thơ trong tờ Tuần Báo Chambers.

Tôi đưa mắt nhìn quán trọ ửng vàng trong ánh hoàng hôn trên nền núi màu nâu.

- Tôi đã đi đây đó nhiều, nhưng chỗ ẩn cư này coi được lắm. Anh cho là chuyện phiêu lưu mạo hiểm chỉ có ở miền nhiệt đới hay trong vòng những anh hùng áo vải thôi sao? Nhiều khi nó đang ở kề bên mà anh không hay đó.

Mắt anh ta sáng lên:

- Kipling cũng nói hệt vậy đó!

Rồi anh ta dẫn ra câu thơ về "ngọn gió lãng mạn đưa chuyến tàu chín giờ mười lăm vào ga".

Tôi bèn nói:

- Tôi có chuyện thật kể anh nghe đây, một tháng sau là anh dựa vô đó viết ra tiểu thuyết được rồi.

Ngồi trên thành cầu trong ánh chiều tà tôi kể anh ta nghe một câu chuyện ly kỳ. Những điểm chính là thật, tôi chỉ thay đổi phần chi tiết. Tôi nhận mình là một nhân vật chủ chốt trong ngành khai mỏ ở Kimberley đã vạch mặt một băng đảng kim cương lậu lộng hành từ lâu. Bọn chúng đã săn đuổi tôi xuyên đại dương, giết chết người bạn thân nhất của tôi, và hiện đang bám theo dấu vết của chính tôi để trả thù.

Tôi kể chuyện suông sẻ và hấp dẫn, dĩ nhiên rồi. Tôi tả cuộc chạy trốn qua hoang mạc Kalahari tới vùng thuộc địa Đức, ngày khô nứt nóng bỏng, đêm trời xanh thẫm mượt như nhung. Tôi tả chuyện bị tấn công đòi mạng trên đường về nước và vụ ám sát kinh hoàng ở căn hộ đường Portland Place. Tôi thốt lên:

- Anh muốn kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm hả, thì anh có ngay đây. Lũ ác ôn đang đuổi theo tôi, còn cảnh sát đang rượt theo chúng. Cuộc đua này tôi nhứt định phải thắng!

Chàng thanh niên kinh ngạc thì thào:

- Ôi trời! Y như trong truyện Rider Haggard với Conan Doyle!

Tôi nói giọng hàm ơn:

- Vậy là anh tin lời tôi.

Anh ta chìa tay ra:

- Dĩ nhiên là tôi tin. Tôi tin bất cứ chuyện gì khác thường. Chỉ có chuyện bình thường mới là đáng ngờ.

Anh ta còn trẻ lắm, nhưng coi bộ anh ta là đồng minh đắc ý của tôi.

- Tôi nghĩ tạm thời chúng đã bị đánh lạc hướng, nhưng tôi phải ẩn đi mấy ngày. Anh để tôi ở lại đây được không?

Anh ta hăng hái nắm khuỷu tay tôi đẩy về phía ngôi nhà và nói:

- Ông nằm lại đây thì cũng sẽ yên ổn như chui xuống đất vậy. Tôi sẽ dặn không ai được nói gì. Rồi ông sẽ kể chuyện thêm cho tôi nghe chứ?

Lúc bước lên hiên quán trọ tôi nghe tiếng động cơ xa xa. In bóng trên nền trời nhá nhem là chiếc máy bay do thám quen thuộc.



Người chủ quán dành cho tôi một phòng sau nhà nhìn ra phía cao nguyên. Anh ta cũng để tôi tự do sử dụng thư phòng của mình, bên trong chất đầy những ấn bản rẻ tiền của các tác giả anh ta ưa thích. Tôi không thấy người bà đâu, chắc bà già yếu không đi lại được. Tới bữa có bà lão tên Margit đem thức ăn cho tôi, còn anh chàng chủ quán cứ lẩn quẩn quanh tôi suốt. Tôi muốn có thì giờ riêng nên kiếm chuyện giao cho anh ta làm. Bởi anh ta có xe máy nên sáng hôm sau tôi nhờ anh ta đi mua báo, vì thường ngày buổi chiều báo mới tới một lượt với thư từ. Tôi dặn anh ta quan sát kỹ, để ý kẻ nào lạ mặt, coi chừng xe hơi hay máy bay nào lảng vảng. Sau đó tôi mở cuốn sổ của Scudder ra chăm chú nghiên cứu.

Tới nửa buổi anh ta trở về với tờ Người Scotland. Không có tin gì mới, chỉ thêm vài lời khai của Paddock và người giao sữa, cũng như nhắc lại tuyên bố hôm qua rằng kẻ sát nhân đã trốn lên miền bắc. Tuy nhiên có một bài dài in lại của tờ Thời Báo nói về Karolides và tình hình Balkans, nhưng lại không đả động gì tới chuyện thăm viếng nước Anh. Buổi chiều tôi tìm cách đuổi khéo anh chàng chủ quán vì cảm thấy sắp lần ra được mật mã của Scudder.

Như đã nói, đây là mật mã dùng số, và sau nhiều cách thử phức tạp tôi đã tìm ra khoảng trống với dấu chấm trong câu. Cái khó là từ khóa, và khi nghĩ tới cả triệu từ Scudder có thể dùng làm khóa tôi cảm thấy hết hy vọng. Tuy nhiên lúc độ ba giờ chiều tôi chợt nảy ra một ý.

Trong trí nhớ tôi loé lên cái tên Julia Czechenyi. Scudder có nói đó là chìa khóa của vụ Karolides, và tôi nghĩ thử dùng nó giải mã coi ra sao.

Tôi thử và thành công. Năm chữ cái trong từ "Julia" cho biết vị trí các nguyên âm. A là J, chữ thứ mười trong bản chữ cái, và trong mật mã ghi thành X. E là XXI, và cứ vậy tiếp tục. Từ "Czechenyi" cho tôi mã số của những phụ âm chính. Tôi tóm tắt bản giải mã trên miếng giấy rồi ngồi đọc những trang ghi chép của Scudder.

Suốt nửa giờ tôi ngồi đọc, mặt trắng nhợt, ngón tay gõ lịa xuống mặt bàn.

Liếc mắt qua cửa sổ tôi thấy một xe mui trần cỡ lớn từ thung lũng chạy lên phía quán trọ. Xe ngừng trước cửa, và có tiếng người bước xuống. Hình như họ có hai người đàn ông, ăn mặc xa xỉ, đầu đội mũ vải len thô.

Mười phút sau người chủ quán lẻn vô phòng tôi, mắt sáng ngời háo hức. Anh ta thì thầm:

- Dưới nhà có hai người đang tìm ông. Họ đang trong phòng ăn uống whisky pha soda. Họ hỏi về ông và nói mong gặp ông ở đây. À, họ tả ông kỹ lắm, ông mặc áo gì, mang giày gì họ cũng biết. Tôi nói đêm qua ông có ngủ đây nhưng sáng nay đã phóng xe máy đi khỏi rồi. Một trong hai người nghe vậy liền chửi om lên.

Tôi yêu cầu anh ta tả rõ hình dạng hai người. Một người ốm, mắt đen, mày rậm, người kia lúc nào cũng mỉm cười và nói hơi ngọng. Anh bạn tôi cả quyết cả hai đều không phải dân ngoại quốc.

Tôi lấy tờ giấy ghi xuống mấy câu tiếng Đức, giả làm một đoạn thư như sau:

..."Đá Đen. Scudder đã hay được chuyện này nhưng phải đợi hai tuần mới có thể hành động. Tôi nghĩ mình cũng không làm được gì nhiều lúc này, nhất là khi chưa rõ kế hoạch của Karolides. Nhưng nếu được ông T. cố vấn thì tôi sẽ cố gắng hết sức..."

Tờ giấy nhìn giống hệt một trang thư rời, đúng như ý tôi muốn. Tôi nói với anh chủ quán:

- Anh cầm tờ giấy này xuống nói là tìm thấy nó trong phòng ngủ của tôi, và nhờ họ nếu gặp được tôi thì đưa lại dùm.

Ba phút sau tôi nghe tiếng xe nổ máy. Lén nhìn sau màn cửa tôi thấy dáng hai người, một gầy ốm, một phốp pháp, và đó là toàn bộ những gì tôi thám thính được về kẻ thù của mình.

Người chủ quán lại hăm hở xuất hiện, giọng khoái trá:

- Tờ giấy của ông quả là lợi hại. Tên tóc đen mặt mày trắng bệch như xác chết hét lên chửi, còn tên mập buông một tiếng huýt gió rồi sầm mặt lại. Bọn họ đưa đồng nửa sovereign trả tiền rượu rồi đi mà không thèm chờ lấy tiền thối.

Tôi nói:

- Giờ tôi muốn nhờ anh thêm chuyện này. Anh hãy lấy xe máy chạy tới Newton-Stewart kiếm ông cảnh sát trưởng. Tả nhân dạng hai tên lúc nãy cho ông ta nghe rồi nói anh nghi bọn họ có liên quan tới vụ án mạng ở Luân Đôn, lý do thì anh cứ bịa ra. Chắc chắn bọn chúng sẽ quay lại đây, không phải đêm nay mà là sáng sớm ngày mai, vì chúng còn bận đuổi theo tôi ngoài kia cũng hết vài chục dặm đường. Anh hãy yêu cầu cảnh sát sáng sớm ngày mai có mặt ở đây.

Anh ta ngoan ngoãn lên đường, để lại tôi mày mò tiếp với cuốn sổ của Scudder. Khi anh ta trở về chúng tôi ăn tối chung, và theo đúng phép lịch sự tôi để anh ta hỏi han đủ chuyện. Tôi kể cho anh ta nghe rất nhiều về đề tài săn sư tử và chiến tranh Matabele, mà bụng nghĩ mấy thứ này nhằm nhò gì so với chuyện tôi hiện đang dính vào. Cuối cùng anh ta đi ngủ, còn tôi thức khuya đọc cho xong ghi chép của Scudder. Tôi ngồi trên ghế hút thuốc tới tận sáng vì không sao chợp mắt được nữa.

Khoảng tám giờ sáng hôm sau tôi chứng kiến hai cảnh sát viên và một đội trưởng đến nơi. Theo lời chỉ dẫn của ông chủ, họ đậu xe ở garage rồi bước vô quán. Hai mươi phút sau qua cửa sổ tôi thấy một chiếc xe khác từ hướng ngược lại trong cao nguyên chạy ra. Chiếc thứ nhì không tới trước cửa quán mà dừng bên một khoảnh rừng cách đó chừng hai trăm yard. Tôi để ý thấy họ cẩn thận quay đầu xe lại trước khi mở cửa bước ra. Một hai phút sau tôi nghe tiếng chân đi trên sỏi ngoài cửa sổ.

Tôi định sẽ nằm yên trong phòng coi thử chuyện gì xảy ra. Ý tôi là để cảnh sát chạm trán với bọn người cũng đang săn lùng tôi nhưng lại nguy hiểm hơn, hy vọng sẽ tạo nên tình huống có lợi. Nhưng bây giờ tôi nảy ra ý hay hơn. Tôi ngoáy vội mấy hàng cảm ơn chủ quán, mở cửa sổ và nhẹ nhàng buông mình rơi xuống bụi phúc bồn tử bên ngoài. Không ai nhìn thấy tôi trèo qua bờ tường đất, trườn xuống mé khe nước và lẻn tới con đường phía bên kia khóm rừng. Chiếc xe đậu ở đó, nhìn mới mẻ bảnh bao trong ánh nắng mai, chỉ có lớp bụi phủ cho hay nó đã chạy một chặng đường dài. Tôi nổ máy, nhảy vô ghế tài xế và êm ru lái chiếc xe tiến sâu vào cao nguyên.

Hầu như ngay lập tức con đường chúi xuống dốc khiến tôi hết nhìn thấy ngôi quán trọ, nhưng trong làn gió đưa tới tôi thoáng nghe tiếng cãi vả giận dữ.

No comments:

Post a Comment