Friday, April 13, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 2: Lên đường

Tôi choáng váng ngồi phịch xuống ghế.

Phải năm phút sau cơn choáng mới qua để rồi cảm giác hốt hoảng ập tới. Gương mặt trắng bệch nhìn trừng trừng nằm dưới sàn làm tôi không sao chịu nổi, tôi bèn quơ tấm khăn bàn phủ lên trên. Tôi loạng choạng bước tới mở tủ lấy chai brandy nốc liền mấy ngụm. Tôi đã từng nhìn thấy người chết do bạo lực, thậm chí tôi cũng đã giết mấy mạng người trong chiến tranh Matabele, nhưng cái kiểu ra tay lạnh lùng ngay trong nhà như vầy là chuyện khác hẳn. Rồi tôi cũng bình tĩnh lại, nhìn đồng hồ thì thấy đã mười giờ rưỡi.

Chợt nghĩ ra một điều, tôi liền sục sạo kỹ càng khắp nhà. Không có ai, dù một dấu vết nhỏ cũng không, nhưng tôi thấy rờn rợn nên đóng hết chốt cửa sổ và gài xích ở cửa chính.

Lúc này tôi đã hoàn toàn tỉnh táo để có thể suy nghĩ trở lại. Tôi mất chừng một giờ để lượng định tình hình. Tôi không vội vì trừ phi kẻ sát nhân quay lại, tôi có được tới sáu giờ sáng để suy tính cặn kẽ mọi việc.

Rõ ràng là tôi đang kẹt trong tình huống hiểm nghèo. Chút nghi ngờ nào còn lại trong tôi về câu chuyện của Scudder đã tiêu tán. Bằng cớ còn nằm rành rành dưới tấm khăn bàn kia. Những kẻ biết rằng ông ta đã nắm được bí mật của chúng đã tìm ra ông ta, và đã ra tay để ông ta mãi mãi im lặng. Nhưng ông ta đã ở trong nhà tôi tới bốn ngày, đương nhiên bọn chúng phải cho rằng ông ta đã tiết lộ mọi chuyện với tôi. Nghĩa là tôi cũng sẽ phải chết. Có thể trong đêm nay, ngày mai hay ngày kia, nhưng mạng tôi vậy là kể như xong.

Thình lình tôi nghĩ tới một khả năng khác. Giả sử tôi kêu cảnh sát bây giờ hoặc đi ngủ chờ sáng mai Paddock tìm thấy cái xác rồi báo, thì lúc đó tôi sẽ giải thích ra sao về chuyện Scudder? Tôi đã không nói thật với Paddock về ông ta, và ở ngoài nhìn vào đây là tình huống rất mờ ám. Nếu tôi thật tình khai hết với cảnh sát đầu đuôi câu chuyện thì bảo đảm họ sẽ cười nhạo tôi. Hầu như chắc chắc tôi sẽ bị buộc tội sát nhân, và họ có chứng cớ gián tiếp đủ mạnh để treo cổ tôi. Ở nước Anh này tôi quen biết ít và không có bạn thân để làm chứng về tư cách của mình. Có lẽ đây là ý định của phía kẻ thù giấu mặt. Bọn chúng đủ thông minh để nghĩ ra bất cứ chuyện gì. Để đạt mục tiêu của chúng thì nhốt tôi vô tù qua ngày mười lăm tháng sáu hay tặng tôi một dao vô ngực cũng chẳng khác gì nhau.

Ngoài ra nếu tôi kể hết sự thật và nhờ phép lạ nào mà người ta chịu tin lời tôi, thì kết quả hóa ra lại đúng như ý định của kẻ thù. Karolides sẽ không tới Luân Đôn, và đó chính là điều chúng muốn. Không hiểu sao khi nhìn gương mặt không còn sinh khí của Scudder tôi lại thấy tin tưởng mạnh mẽ vào điều ông ta làm. Ông ta đã mất, nhưng ông ta đã tin cậy ở tôi, nên tôi phải tiếp tục công việc ông ta đang làm dang dở.

Quí vị có thể cho rằng tôi lo tính mạng mình đã xong chưa mà còn bao đồng, nhưng tôi thật sự nghĩ như vậy. Tôi là người rất bình thường, chẳng anh hùng gì hơn ai. Nhưng nhìn người tốt bị hại tôi không chịu được, và nếu trong cuộc đấu này tôi đủ sức thay thế Scudder thì con dao dài kia chưa phải đã kết liễu được sứ mạng của ông ta.

Tôi dành một hai tiếng để nghĩ thấu chuyện và đi đến một quyết định. Bằng cách nào đó tôi phải biến mất cho tới tuần lễ thứ nhì của tháng sáu. Lúc đó tôi sẽ tìm cách liên lạc với người của chính phủ và báo họ hay những gì Scudder đã kể tôi nghe. Tôi tiếc rẻ ước gì Scudder đã tiết lộ nhiều hơn và tôi đã chú ý nghe ông ta nói hơn. Tôi chỉ biết được những điểm chính trong âm mưu nọ. Ngoài ra cho dù tôi có vượt qua được những thử thách trước mắt thì cuối cùng rất có thể chẳng ai tin lời tôi. Nhưng tôi phải chấp nhận may rủi và hy vọng sẽ tìm được bằng chứng nào đó khả dĩ xác nhận câu chuyện của tôi với các quan chức chính quyền.

Việc đầu tiên là phải giữ mình an toàn trong ba tuần tới. Bữa nay là hăm bốn tháng năm, nghĩa là tôi có hai mươi ngày phải trốn tránh trước khi bắt liên lạc với giới hữu trách. Tôi sẽ bị hai phía truy lùng - phía kẻ thù của Scudder muốn trừ khử tôi, và phía cảnh sát muốn bắt tôi do vụ Scudder bị giết. Cuộc săn đuổi sẽ rất căng, nhưng lạ cái là nghĩ tới đó tôi lại vui thích. Đã ở không quá lâu nên tôi mừng đón bất cứ chuyện gì cho tôi có dịp hoạt động. Phải ngồi trong phòng một mình với cái xác chết và trông chờ may rủi thì tôi có cảm giác mình chẳng hơn gì con giun quằn, nhưng nếu quăng tôi ra ngoài để tôi tự bảo vệ tính mạng bằng tài trí của mình thì tôi sẵn sàng vui vẻ chấp nhận thử thách.

Suy nghĩ tiếp theo của tôi là Scudder có để lại giấy tờ gì có thể giúp tôi hiểu rõ thêm vụ này hay không. Tôi dở tấm khăn ra để lục túi ông ta, vì tôi không còn thấy sợ cái xác nữa. Nét mặt ông ta bình tĩnh lạ trước cái chết đến thình lình. Túi sơ mi của ông ta trống không, còn túi áo chẽn chỉ có vài đồng tiền lẻ và một cái cán xì gà. Trong túi quần có con dao xếp với mấy đồng bạc, còn túi áo ngoài có một hộp đựng xì gà cũ bằng da cá sấu. Không thấy cuốn sổ nhỏ màu đen ông ta thường ghi chép, hẳn là kẻ sát nhân đã lấy đi rồi.

Nhưng lúc tôi ngước lên thì thấy mấy hộc bàn viết bị kéo ra. Scudder không bao giờ kéo hộc ra mà không đóng lại vì ông ta tánh rất ngăn nắp. Kẻ nào đó đã lục lọi ở đây để tìm kiếm thứ gì, có lẽ là quyển sổ tay kia.

Tôi đi quanh các phòng và thấy chỗ nào cũng bị xáo lên, nào sách vở, ngăn kéo, hòm tủ, kệ chén bát, ngay cả quần áo tôi treo trong tủ cũng bị lộn hết túi ra ngoài. Không thấy cuốn sổ đâu. Chắc hẳn kẻ thù đã tìm thấy nó, nhưng không phải trên người của Scudder.

Tôi mở tấm bản đồ nước Anh cỡ lớn ra. Ý định của tôi là trốn tới một vùng hoang sơ nào đó để còn nhờ tới kỹ năng dã ngoại của mình, chớ ở trong thành phố tôi cũng như con chuột mắc bẫy mà thôi. Tôi chọn Scotland vì quê tôi ở đó và bộ dạng tôi cũng giống một người dân Scotland bình thường. Mới đầu tôi cũng có nghĩ qua chuyện giả làm khách du lịch Đức, vì xưa ba tôi có làm ăn chung với mấy người Đức và tôi học rành tiếng Đức từ nhỏ. Chưa kể tôi còn bỏ ra ba năm tìm mỏ đồng ở xứ Damaraland thuộc địa Đức nữa. Nhưng tính đi tính lại tôi thấy giả làm dân Scotland sẽ ít bị để ý hơn, và cảnh sát nếu biết được chút ít về quá khứ của tôi cũng sẽ ít ngờ tới hơn. Tôi nhắm Galloway là chỗ thích hợp nhất. Trong số những vùng hoang sơ thuộc Scotland thì nơi này gần hơn hết, dân cư theo như bản đồ lại rất thưa thớt.

Tôi tra sách lịch trình tàu hỏa thấy có chuyến rời ga Saint Pancras lúc bảy giờ mười phút sáng và sẽ đưa tôi tới bất kỳ ga nào ở Galloway vào khoảng xế chiều. Vậy là tốt rồi, nhưng việc quan trọng là làm sao tới được ga Saint Pancras, vì tôi chắc chắn là kẻ thù của Scudder đang canh chừng liên tục bên ngoài. Chuyện này làm tôi vắt óc một lúc rồi trong đầu lóe ra một giải pháp, tôi bèn lên giường ngủ được hai tiếng chập chờn.

Tới bốn giờ tôi dậy mở rèm cửa sổ. Ánh sáng hãy còn nhạt của một sớm mùa hè tỏa khắp bầu trời trong, và chim sẻ bắt đầu ríu rít. Cảm nghĩ trong tôi đảo ngược lại, tôi thấy mình sao dại quá. Tôi nghĩ tới chuyện cứ để sự việc tự nó tiến triển và tin tưởng cảnh sát sẽ hành động đúng lý. Nhưng khi điểm lại tình hình tôi không tìm ra lý lẽ nào để bác bỏ quyết định của mình hồi đêm, nên đành chau miệng cương quyết làm theo kế hoạch đã vạch ra. Chẳng phải là tôi hoảng sợ, tôi chỉ không thích kiếm chuyện phiền phức, chắc quí vị hiểu.

Tôi lục ra một bộ vét cũ bằng vải tweed, một đôi giày đinh cao ống và một áo sơ mi cổ đứng bằng nỉ. Tôi nhét túi thêm một sơ mi để thay, một mũ vải, mấy cái khăn tay với một bàn chải đánh răng. Hai hôm trước tôi đã rút từ ngân hàng một số tiền vàng lớn để phòng khi Scudder cần tới, và tôi lấy năm mươi pound bằng đồng sovereign nhét vô sợi dây nịt đem theo từ Rhodesia. Vậy là đủ thứ tôi cần. Tắm xong tôi cắt bộ ria vốn dài và quặp thành một vạt ngắn gọn gàng trên mép.

Giờ tới bước kế tiếp. Paddock luôn có mặt đúng bảy rưỡi và mở cửa vô nhà bằng chìa khóa riêng. Nhưng qua kinh nghiệm không lấy gì làm vui vẻ, tôi biết chắc khoảng chừng bảy giờ thiếu hai mươi người giao sữa sẽ xuất hiện với chai lọ khua lanh canh và để phần sữa của tôi trước cửa. Thỉnh thoảng khi ra ngoài sớm tôi đã nhìn thấy người giao sữa này. Cậu ta còn trẻ, cao cỡ tôi, ria mép để cẩu thả, mình khoác áo choàng trắng. Mọi việc sẽ phải liều trông hết vào cậu ta.

Tôi bước vào căn phòng hút thuốc tối mờ, những tia sáng buổi mai chỉ vừa bắt đầu lẻn qua mành cửa. Tại đây tôi điểm tâm bằng whisky pha soda và ít bánh qui lấy trong tủ. Sắp sáu giờ. Tôi bỏ ống điếu vô túi, rồi lấy thuốc lá trong bình trên chiếc bàn cạnh lò sưởi để nhét đầy bọc đựng thuốc.

Lúc thọc tay vô bình thuốc lá, ngón tay tôi đụng phải vật gì cứng, và tôi lôi ra được cuốn sổ tay bìa đen của Scudder.

Kể như đây là điềm tốt. Tôi nhấc tấm khăn khỏi cái xác, lấy làm lạ về vẻ khoan thai và nghiêm nghị trên gương mặt người chết. Tôi nói:

- Thôi chào ông nhé. Tôi sẽ làm hết sức mình vì ông. Ông có ở đâu thì cũng hãy chúc tôi may mắn.

Sau đó tôi quanh quẩn ở phòng trước chờ người giao sữa. Đây là những phút khó khăn nhất, vì tôi phải hết sức tự kiềm chế mới khỏi vọt phăng ra đường. Sáu rưỡi qua, rồi sáu giờ bốn mươi mà chưa thấy cậu ta đâu. Cái thằng đần này lại lựa ngay bữa nay mà tới trễ!

Sáu giờ bốn sáu phút tôi nghe tiếng chai lọ lách cách bên ngoài. Tôi mở cửa thấy cậu ta vừa lựa chai của tôi ra vừa huýt gió qua kẽ răng. Nhìn thấy tôi cậu ta hơi giật mình.

Tôi nói:

- Anh vô đây tôi nói chuyện chút.

Rồi tôi dẫn cậu ta vô phòng ăn. Tôi tiếp:

- Tôi coi bộ anh là người chịu chơi, nên tôi muốn nhờ anh một chuyện. Anh cho tôi mượn cái mũ với cái áo choàng trong vòng mười phút, thì tôi sẽ tặng anh một đồng sovereign.

Cậu ta mở to mắt nhìn đồng tiền vàng rồi cười toe toét hỏi:

- Chuyện gì đây ?

Tôi đáp:

- Chuyện cá độ. Tôi không đủ thì giờ giải thích, nhưng muốn thắng thì tôi phải làm người giao sữa trong vòng mười phút tới đây. Anh chỉ cần ở đây chờ tôi về. Công chuyện sẽ bị trễ một chút, nhưng chắc không ai phàn nàn gì, mà anh lại có được nguyên số tiền này.

Cậu ta vui sướng nói:

- Được mà! Gì chớ chuyện cá độ là tôi ủng hộ liền. Đồ nghề của ông đây, ông thầy!

Tôi đội chiếc mũ phẳng màu xanh và khoác tấm áo choàng trắng lên người, xách mớ chai, đóng sầm cửa rồi vừa xuống lầu vừa huýt gió. Ông gác cửa dưới nhà cau có biểu tôi im miệng, chứng tỏ tôi cải trang cũng đạt lắm.

Mới đầu tôi nghĩ ngoài phố không có ai, sau tôi mới thấy một nhân viên cảnh sát cách đó chừng một trăm thước và một ông vẻ nhàn rỗi chầm chậm lê bước bên kia đường. Linh tính khiến tôi đưa mắt nhìn qua tòa nhà đối diện và bắt gặp một gương mặt sau ô cửa sổ tầng một. Lúc người bộ hành đi ngang ô cửa sổ, hắn ngước lên và tôi có cảm tưởng hai người ra dấu cho nhau.

Tôi vừa băng qua đường vừa vui vẻ huýt gió, bắt chước dáng đi nhún nhảy của anh chàng giao sữa. Tới con phố cắt ngang đầu tiên tôi rẽ trái, đi ngang một lô đất trống có rào. Con phố nhỏ vắng tanh, tôi liền bỏ mớ sữa vào bên trong hàng rào và ném theo luôn chiếc mũ với tấm áo choàng. Tôi vừa đội chiếc mũ vải của mình lên đầu thì có người phát thư vòng góc phố đi tới. Tôi chào ông ta, ông ta chào lại không chút ngờ vực. Ngay lúc đó chuông nhà thờ đổ bảy giờ.

Không thể lỡ thêm giây nào nữa. Vừa ra tới đường Euston tôi vọt chạy. Đồng hồ ở ga Euston chỉ bảy giờ năm. Tới ga Saint Pancras tôi bỏ qua quầy vé vì không đủ thì giờ, vả lại tôi cũng chưa định rõ nơi đến. Một nhân viên đẩy hành lý cho tôi hay số sân ga, lúc tôi vô tới thì tàu đã bắt đầu chuyển bánh. Hai nhân viên nhà ga chặn tôi lại, nhưng tôi lách qua được và kịp nhảy lên toa cuối cùng.

Ba phút sau giữa lúc tàu đang ầm ầm chui qua loạt hầm phía bắc, một nhân viên gác tàu điệu bộ cau có tới gặp tôi. Ông ta bán cho tôi một vé tới Newton-Stewart là cái tên tôi thình lình nhớ ra, và dẫn tôi ra khỏi toa hạng nhất đang ngồi tới một toa hút thuốc hạng ba bên trong có một thủy thủ và một bà mập dẫn theo con nhỏ. Ông ta lằm bằm đi khỏi, còn tôi vừa lau mồ hôi trán vừa than bằng giọng Scotland nặng trịch rằng chạy bắt cho kịp tàu thật khổ lắm chớ phải chơi. Hóa ra tôi đã nhập vai tự lúc nào không hay.

Người đàn bà bực dọc nói:

- Thằng gác đó láo lắm! Phải có mồm miệng người Scotland mới trị lại nó. Nó cằn nhằn sao tôi không mua vé cho con nhỏ này, mà con tôi tới tháng tám năm sau mới được bốn tuổi chớ mấy. Nó lại còn rầy không cho ông đây khạc nhổ nữa!

Người thủy thủ cau mặt tán thành, và cuộc sống mới của tôi bắt đầu trong bầu không khí phản kháng nhà chức trách. Tôi phải tự nhắc mình nhớ là mới cách đây một tuần tôi còn than thế gian sao mà buồn tẻ.

No comments:

Post a Comment