Monday, April 16, 2012

Ba mươi chín bậc thang - Chương 8: Kẻ thù lộ diện

Sáng hôm sau tôi xuống dùng điểm tâm sau tám tiếng ngủ say không mộng mị. Sir Walter đang giải mã điện tín giữa mấy đĩa bánh muffin với mứt bày trên bàn, vẻ hồng hào tươi tỉnh hôm qua có phần sút giảm.

Ông nói:

- Tối qua sau khi anh đi ngủ tôi gọi điện thoại nói chuyện cũng cả giờ đồng hồ. Tôi thuyết phục được xếp của tôi bàn với hai vị tư lệnh hải quân và bộ trưởng quốc phòng để đưa Royer qua đây sớm hơn một ngày. Họ gởi bức điện này để xác nhận thỏa thuận vừa kể. Royer sẽ có mặt ở Luân Đôn lúc năm giờ. Cũng lạ, mật danh của một vị phó tổng tham mưu lại là "Heo Sữa".

Ông ra dấu cho tôi dùng mấy món ăn nóng rồi tiếp:

- Tôi cũng không chắc thay đổi vậy có ích gì không. Mấy ông bạn của anh đã giỏi tới mức biết được ngày giờ đã sắp xếp lúc đầu, thì bọn chúng cũng sẽ biết những thay đổi kế tiếp. Tôi thật không hiểu tin tức bị rò rỉ ở chỗ nào. Chúng tôi tin chắc ở nước Anh chỉ có năm người biết về chuyến thăm của Royer, phía Pháp lại còn ít hơn nữa vì họ làm việc kín hơn chúng ta ở đây.

Trong lúc tôi ăn ông vẫn tiếp tục nói, tôi ngạc nhiên vì được ông tin tưởng kể cho nghe nhiều chuyện hệ trọng như vậy. Tôi hỏi:

- Có thể thay đổi việc bố trí lực lượng không?

- Cũng có thể, nhưng tránh được vẫn hơn. Bố trí như thế nào là việc đòi hỏi tính toán hết sức kỹ càng, mọi phương án khác đều không bằng. Ngoài ra có những chỗ hoàn toàn không thể thay đổi được. Dù sao nếu kẹt lắm thì tôi nghĩ cũng có cách, nhưng sẽ không dễ chút nào như anh đã thấy. Kẻ thù của chúng ta cũng không ngu tới độ tìm cách móc túi Royer hay làm mấy trò đơn giản kiểu đó. Chúng biết làm vậy sẽ gây ồn ào và chúng ta sẽ dè chừng. Chúng sẽ làm sao để chúng ta không biết tài liệu đã bị lộ và Royer trở về Paris tin chắc mọi việc vẫn nằm trong vòng bí mật tuyệt đối. Bằng không coi như chúng thất bại, vì khi chúng ta đã nghi ngờ đương nhiên mọi kế hoạch sẽ phải thay đổi.

- Vậy chúng ta phải bám sát Royer cho tới khi ông ta về lại tới bên Pháp. Nếu bọn chúng nghĩ có thể lấy được tài liệu ở Paris thì chúng đã lập mưu để ra tay bên đó rồi. Điều đó chứng tỏ tại Luân Đôn chúng đã có kế hoạch rất tinh vi và nắm chắc phần thắng trong tay.

- Theo lịch trình Royer sẽ ăn tối với xếp của tôi, sau đó tới nhà tôi để gặp gỡ bốn người là Whittaker ở bộ tư lệnh hải quân, tôi, Sir Arthur Drew và tướng Winstanley. Ngài tư lệnh bị bịnh đã đi Sherringham nghỉ rồi. Tại nhà tôi Royer sẽ nhận tài liệu từ tay Whittaker, sau đó sẽ có xe đưa ông ta tới Portsmouth, từ đó ông ta sẽ đáp tàu khu trục về Le Havre. Công tác của ông ta quá quan trọng không thể dùng phương tiện thông thường. Ông ta sẽ được hộ tống liên tục cho tới khi đã an toàn trên đất Pháp. Whittaker cũng sẽ được hộ tống như vậy cho tới khi gặp Royer. Làm tới đó là hết mức, không thể sơ hở được. Nhưng thú thật tôi thấy lo kinh khủng. Vụ ám sát Karolides sẽ gây sóng gió rất lớn tại các phủ thủ tướng Âu Châu.

Điểm tâm xong ông hỏi tôi có biết lái xe không.

- Vậy bữa nay anh làm tài xế cho tôi, nhớ mặc bộ đồ của Hudson. Anh cũng cỡ người như cậu ta. Anh có liên quan tới vụ này, và chúng ta phải hết sức cẩn thận. Chúng ta đang phải đối phó với những kẻ liều mạng, bọn chúng sẽ không từ chuyện về miền quê tấn công nhà nghỉ của một viên chức đã mệt mỏi vì làm việc quá sức đâu.

Hồi mới tới Luân Đôn tôi có mua chiếc xe để du ngoạn khắp miền nam nước Anh nên có biết qua đường sá ở đây. Tôi chở Sir Walter bon bon về thủ đô theo đường Bath. Buổi sáng tháng sáu trời lặng sắp sửa chuyển qua nóng bức, nhưng không khí vẫn còn dễ chịu khi chúng tôi băng qua những thị trấn nhỏ đường sá vừa tưới ướt và những khu vườn mùa hè vùng thung lũng sông Thames. Đúng mười một giờ rưỡi tôi đưa Sir Walter tới ngay trước nhà ở phố Queen Anne's Gate. Người quản gia của ông còn đang trên đường đưa đồ đạc lên bằng xe lửa.

Đầu tiên ông dẫn tôi tới sở cảnh sát gặp một ông mày râu nhẵn nhụi, dáng vẻ trịnh trọng như luật sư trước tòa.

Sir Walter giới thiệu tôi:

- Tôi đem thủ phạm vụ án mạng ở Portland Place tới cho ông đây.

Ông kia cười gượng gạo:

- Lúc trước thì tôi đã mừng mà cảm ơn ông lắm, ông Bullivant. Chắc đây là ông Richard Hannay, người đã từng khiến sở của tôi hết sức quan tâm phải không?

- Anh Hannay lại có chuyện cho mấy ông quan tâm đó. Anh ta có nhiều thứ kể mấy ông nghe, nhưng không phải hôm nay mà phải đợi hăm bốn tiếng vì lý do rất quan trọng. Nhưng tôi hứa là chuyện rất hấp dẫn và có lẽ mấy ông cũng sẽ biết được thêm vài điều có ích. Còn bây giờ tôi muốn ông bảo đảm với Hannay là anh ta sẽ không bị rắc rối gì nữa.

Ông kia đáp ứng ngay lập tức.

- Anh trở lại sống bình thường được rồi. Căn chung cư của anh vẫn còn nguyên mặc dù có lẽ anh không muốn ở đó nữa. Người giúp việc của anh cũng còn đó. Vì anh chưa bao giờ bị kết tội công khai nên chúng tôi nghĩ không cần phải tuyên bố công khai là anh vô tội, nhưng việc này anh muốn sao thì tùy.

Sir Walter nói lúc chúng tôi đứng dậy đi khỏi:

- Có thể chúng tôi sẽ cần ông giúp thêm, ông Macgillivray.

Rồi ông cho phép tôi đi.

- Anh hãy tới gặp tôi ngày mai, anh Hannay. Tôi không cần phải dặn anh tuyệt đối kín chuyện. Có lẽ anh nên ngủ cho thỏa thuê vì tôi chắc vừa rồi anh thiếu ngủ trầm trọng. Nhớ đừng để mấy ông bạn Đá Đen của anh nhìn thấy, kẻo lại rắc rối lắm.

Tôi cảm thấy hụt hẫng vì thình lình không còn chuyện để làm. Mới đầu cảm giác tự do thật dễ chịu, muốn đi đâu thì đi không phải lo sợ gì. Ở ngoài vòng pháp luật một tháng là quá đủ đối với tôi. Tôi tới khách sạn Savoy chọn thực đơn tỉ mỉ cho một bữa trưa thịnh soạn, sau đó hút thứ xì gà ngon nhất mà họ có. Nhưng tôi vẫn chưa dứt bỏ được cảm giác hồi hộp. Mỗi khi có ai nhìn tôi trong phòng nghỉ tôi lại ngượng ngùng không hiểu họ có nhớ vụ án mạng hay không.

Tôi đón tắc-xi đi một chặng dài nhiều dặm lên Bắc Luân Đôn. Sau đó tôi đi bộ về qua những cánh đồng, những khu biệt thự, nhà liền vách, xóm ổ chuột và những con phố tồi tàn mất an ninh, hết thảy gần hai tiếng đồng hồ. Trong lòng tôi mỗi lúc càng bồn chồn thêm. Tôi cảm thấy nhiều việc to lớn trọng đại đang hoặc sắp xảy tới, mà tôi vốn có vai trò trong đó bây giờ lại đứng ở ngoài. Royer đang cập bến ở Dover, Sir Walter đang bàn bạc tính toán với chỉ vài nhân vật duy nhất ở nước Anh biết về công tác bí mật đang diễn ra, và đâu đó trong bóng tối bọn Đá Đen đang ráo riết chuẩn bị. Tôi linh cảm được mối nguy đang rình rập và tai họa sắp sửa ập tới, và tôi cũng có cảm giác kỳ lạ là chỉ mình tôi mới ngăn được, mới đánh bại được âm mưu của kẻ thù. Nhưng tôi đang bị gạt ra ngoài. Khó mà có chuyện các vị bộ trưởng với tư lệnh và tướng hải quân lại mời tôi ngồi vô bàn họp chung với họ.

Tôi đã thấy thèm đụng phải một trong ba tên giặc. Ít ra khi đó sẽ có biến chuyển mới. Tay chân tôi ngứa ngáy muốn ẩu đả với bọn chúng một trận để xả bớt nỗi bực dọc đang dâng cao nhanh chóng.

Tôi không muốn quay trở lại căn chung cư cũ. Chuyện đó không tránh được nhưng sáng mai hãy tính, đêm nay tôi còn đủ tiền để ở khách sạn.

Tôi vẫn còn bực bội suốt bữa ăn tối ở một nhà hàng trên đường Jermyn. Tôi không thấy đói, nhiều món không đụng tới. Tôi uống gần hết chai Burgundy nhưng chẳng thấy vui vẻ gì hơn. Cả người tôi bồn chồn nóng nảy không chịu nổi. Tôi chỉ là anh chàng rất tầm thường, không giỏi giang gì đặc biệt, nhưng không hiểu sao tôi tin chắc phải có tôi việc này mới xong, bằng không sẽ không tránh được tai họa. Tôi tự nhủ đây chỉ là tính tự phụ ngu ngốc của mình, đã có bốn hoặc năm người giỏi xuất chúng được thế lực của cả đế quốc Anh hỗ trợ lo chuyện này. Nhưng tôi vẫn không yên tâm. Dường như có tiếng nói trong tai biểu tôi phải đứng dậy hành động, nếu không sẽ không bao giờ ngủ ngon được.

Kết cục là khoảng chín rưỡi tối tôi quyết định tới phố Queen Anne's Gate. Rất có thể họ sẽ không tiếp tôi, nhưng lương tâm tôi sẽ dễ chịu hơn vì dù sao cũng đã cố gắng.

Tôi đi bộ dọc đường Jermyn, tới góc đường Duke thì gặp một đám thanh niên diện đồ buổi tối. Cả đám đã ăn nhậu ở đâu rồi đang kéo đi coi ca nhạc tạp kỹ, trong đó có Marmaduke Jopley.

Thấy tôi hắn đứng sựng lại rồi kêu to:

- Tên giết người kìa! Các cậu bắt nó lại! Nó là thằng Hannay giết người trong vụ ở Portland Place!

Hắn nắm cứng tay tôi, còn bọn kia vây chặt chung quanh.

Tôi không muốn kiếm chuyện, nhưng đang lúc bực bội tôi không suy nghĩ kỹ. Có viên cảnh sát lại gần, lẽ ra tôi phải nói rõ sự thật cho ông ta nghe, và nếu ông ta không tin thì yêu cầu dẫn tới sở cảnh sát hay đồn nào gần nhất. Tuy nhiên lúc đó tôi cảm thấy gấp rút muốn đi ngay, với lại nhìn cái mặt ngu ngốc của Marmie tôi không thể chịu nổi. Tôi tung một cú đấm tay trái và khoái chí nhìn hắn nằm đo rãnh cống.

Vậy là ầm ĩ lên. Đám thanh niên nhào vô tấn công tôi cùng một lúc, còn ông cảnh sát ôm lấy lưng tôi. Tôi lãnh mấy cú đau điếng, vì lẽ ra tôi có thể hạ hết nguyên bọn nhưng tôi bị ông cảnh sát ghì chặt từ phía sau và một tên nữa siết cổ.

Trong tiếng la ó tôi nghe vị đại diện luật pháp hỏi có chuyện gì, và Marmie tuyên bố qua hàm răng gãy rằng tôi chính là tên sát nhân Hannay. Tôi bèn kêu to:

- Ôi chán quá, biểu thằng chả im đi! Ông cảnh sát hãy để tôi yên. Đằng sở người ta biết tôi, nếu ông cản trở tôi thì bị xếp la ráng chịu!

Viên cảnh sát nói:

- Anh phải theo tôi về đồn. Chính mắt tôi thấy anh đấm anh kia một cú nặng lắm. Mà anh ta không có làm gì anh, chính anh gây sự trước, tôi thấy hết. Đi theo tôi đàng hoàng, không thì tôi còng.

Trong lòng quá bực tức cộng thêm linh cảm có chuyện khẩn cấp thôi thúc khiến tôi trở nên mạnh như voi. Tôi nhấc ông cảnh sát lên khiến ông ta loạng choạng, quật ngã tên đang siết cổ tôi, rồi cắm cổ chạy theo đường Duke. Tôi nghe tiếng còi huýt vang và tiếng chân rầm rập đuổi theo.

Bình thường tôi đã chạy nhanh, còn tối hôm đó tôi như mọc thêm cánh. Loáng một cái tôi đã tới đường Pall Mall và quẹo xuống công viên St. James. Tôi né viên cảnh sát trước cổng cung điện, lách qua đám xe ngựa ken nhau chỗ dẫn vô đường Mall và phóng thẳng tới cây cầu trước khi đám người đuổi theo kịp băng qua đường lớn. Đường trong công viên trống trải, tôi vọt càng nhanh hơn. Cũng may trong công viên có ít người và không ai tìm cách ngăn tôi lại. Bằng mọi giá tôi phải tới được đường Queen Anne's Gate.

Khi tôi tới nơi thì con phố yên tĩnh vắng tanh không một bóng người. Ngôi nhà của Sir Walter nằm ở khúc đường hẹp, bên ngoài ba bốn chiếc xe đang đậu. Còn cách vài thước tôi ngừng chạy, bước nhanh tới trước cửa. Nếu người quản gia từ chối không cho tôi vô nhà hoặc chỉ cần ông ta chậm mở cửa thì tôi coi như xong.

Nhưng người quản gia không chậm chút nào. Tôi vừa nhớm bấm chuông thì ông ta đã mở cửa. Tôi hổn hển nói:

- Tôi phải gặp Sir Walter có chuyện khẩn cấp.

Người quản gia là kẻ hiểu biết. Ông ta điềm tĩnh giữ cửa đợi tôi bước vô rồi đóng lại.

- Sir Walter đang bận và dặn tôi không được cho ai vào. Ông chịu khó đợi vậy.

Ngôi nhà xây kiểu xưa, tiền sảnh rộng có phòng hai bên. Ở một đầu có khoảng thụt trong tường kê chiếc điện thoại với mấy cái ghế. Người quản gia mời tôi ngồi ở đó. Tôi nói nhỏ:

- Tôi đang gặp rắc rối, nhưng Sir Walter biết rõ vì tôi đang lo công chuyện cho ông ấy. Nếu có ai tới kiếm thì đừng nói có tôi ở đây.

Ông ta gật đầu. Lát sau tôi nghe tiếng nói chuyện ồn ào ngoài phố, rồi chuông cửa reo gấp gáp. Tôi chưa khâm phục ai bằng ông quản gia này. Ông ta mở cửa, gương mặt bất động chờ nghe hỏi. Nghe xong ông ta trả lời đây là nhà của ai và ông ta được lệnh gì, vẻ lạnh lùng khiến đám kia líu ríu rời khỏi bậc thềm. Từ chỗ ngồi trong nhà tôi nhìn thấy ông ta diễn không chỗ nào chê được.



Chờ chưa bao lâu tôi lại nghe tiếng chuông cửa. Lần này người quản gia mời ngay khách vô nhà. Trong lúc ông ta giúp khách cởi áo choàng, tôi nhận ra người mới tới là ai. Chỉ cần giở báo hay tạp chí ra là ai cũng thấy gương mặt đó - chòm râu xám cắt hình lưỡi xẻng, miệng cứng rắn, mũi bạnh và vuông, mắt xanh sắc lẻm. Chính là vị tư lệnh hải quân, người nghe nói đã kiến tạo lực lượng Hải Quân Anh thời hiện đại.

Ông ta đi ngang chỗ tôi ngồi và được dẫn vào căn phòng ở cuối hành lang. Lúc cửa mở tôi nghe tiếng nói nho nhỏ vọng ra. Cửa đóng, tôi lại chỉ còn một mình.

Tôi ngồi suốt hai mươi phút, không biết phải làm gì kế tiếp. Tôi vẫn tin chắc họ sẽ cần tới mình, nhưng khi nào và theo cách nào thì đành chịu. Tôi cứ liếc coi giờ, và khi kim đồng hồ chậm chạp bò đến mười rưỡi tôi nghĩ cuộc họp chắc cũng sắp kết thúc. Mười lăm phút nữa Royer sẽ ngồi trong xe phóng nhanh về Portsmouth...

Có tiếng chuông reo, người quản gia xuất hiện. Cửa căn phòng phía sau mở và vị tư lệnh hải quân bước ra. Ông ta đi ngang liếc nhìn tôi, và trong một giây ngắn ngủi ánh mắt chúng tôi chạm nhau.

Chỉ có một giây nhưng đủ làm tim tôi đập mạnh. Tôi chưa bao giờ gặp nhân vật quan trọng này, ông ta cũng chưa hề gặp tôi. Nhưng trong khoảnh khắc đó ánh mắt ông ta nhận ra tôi. Chỉ là một đốm sáng lóe nhanh, một thoáng nhẹ thay đổi, nhưng ý nghĩa không thể lầm được. Ánh mắt đó là phản xạ ngoài ý muốn chủ nhân, vừa vụt lên đã tắt ngúm trong khi ông ta vẫn tiếp tục bước đi. Tôi nghe tiếng cửa chính đóng lại giữa lúc bao nhiêu tưởng tượng ập tới trong đầu.

Tôi chụp cuốn niên giám điện thoại tra số của nhà riêng ông ta. Đường dây kết nối ngay lập tức, tôi nghe tiếng một người giúp việc trả lời. Tôi hỏi:

- Ngài tư lệnh có nhà không?

- Ngài về cách đây nửa giờ và đã đi nằm. Tối nay ngài không khỏe. Thưa ông có muốn nhắn gì không?

Tôi cúp máy và loạng choạng muốn ngồi phịch xuống ghế. Vai trò của tôi trong vụ này chưa xong đâu. Chỉ chút nữa là hỏng việc, nhưng tôi đã có mặt kịp lúc.

Không thể lỡ thêm phút nào, tôi bèn mạnh dạn tiến lại căn phòng phía sau, bước vô luôn mà không gõ cửa. Năm gương mặt quanh chiếc bàn tròn sửng sốt ngước lên. Có Sir Walter và ngài Drew bộ trưởng quốc phòng tôi đã thấy hình chụp. Có một ông lớn tuổi gầy ốm, chắc là viên chức bộ tư lệnh hải quân tên Whittaker. Có tướng Winstanley nổi bật với vết sẹo dài trên trán. Cuối cùng là một ông người thấp tròn, hàm ria xám và lông mày rộng, đang nói dở chừng thì tôi vô phòng làm ngắt ngang.

Sir Walter lộ vẻ ngạc nhiên và bực bội. Ông nói với mấy người khách bằng giọng xin lỗi:

- Đây là anh Hannay tôi có nói chuyện với quí vị. Hannay, tôi e là anh tới rất không đúng lúc.

Tôi đã bình tĩnh lại và đáp:

- Tôi lại cho rằng tôi tới đây vừa kịp lúc, thưa Sir Walter. Xin hỏi ai vừa mới ra khỏi đây chừng một phút?

Sir Walter mặt đỏ bừng trả lời:

- Lord Alloa.

Tôi nói to:

- Không phải! Ông ta nhìn giống hệt Lord Alloa nhưng không phải. Ông ta nhận ra tôi, tôi đã gặp ông ta hồi tháng trước. Ông ta vừa ra khỏi cửa là tôi gọi điện thoại tới nhà của Lord Alloa, họ cho tôi biết ngài tư lệnh đã về nhà trước đó nửa tiếng và đi ngủ rồi.

Ai đó lắp bắp:

- Vậy thì ai... ai...

Tôi đáp:

- Chính là Đá Đen!

Tôi ngồi xuống chiếc ghế vừa bỏ trống, nhìn quanh thấy năm gương mặt đang hoảng sợ tột độ.

No comments:

Post a Comment